Không nên hoang mang với bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'
Ca bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) đầu tiên của Đồng Nai là bé gái 14 tuổi (ngụ huyện Xuân Lộc), sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã xuất viện.
Các bác sĩ lưu ý, mặc dù bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 40% (nhất là các bệnh nhân có biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng) nhưng là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch và cực kỳ hiếm lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Người dân vì thế không nên quá hoang mang với căn bệnh này.
Bệnh không dễ lây
Bệnh Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất ẩm, đặc biệt tìm thấy nhiều trong đất sét ở độ sâu từ 25-45cm, có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bệnh lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường gây tổn thương ở da, làm lở loét, thậm chí hoại tử da.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường khác nhau như môi trường nghèo chất dinh dưỡng hay môi trường khô hạn. Tuy nhiên, vi khuẩn này dễ bị tiêu diệt bởi tia cực tím.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, tên gọi “vi khuẩn ăn thịt người” khiến nhiều người dân lo sợ nhưng khi hiểu về đường lây nhiễm của bệnh thì người dân sẽ an tâm hơn. Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nhưng có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 1925, ở Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh Whitmore đầu tiên (trên thế giới là từ năm 1911). Khoảng vài năm gần đây, bệnh Whitmore xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành ở Việt Nam, được nghiên cứu kỹ và truyền thông rộng nên nhiều người dân mới biết đến căn bệnh này. Bệnh hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với bùn đất bị nhiễm vi khuẩn mà không mang phương tiện bảo hộ phù hợp. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có từ 20-30 bệnh nhân mắc bệnh này nhập và điều trị nội trú.
Thống kê cho thấy, khoảng 80% người bệnh Whitmore có một hoặc nhiều bệnh nền như: đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh phổi, thận mạn tính. Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
Các biểu hiện của bệnh như: viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm (áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào); áp xe đa cơ quan (áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da).
Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như: sốt cao, suy hô hấp, hạ huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Theo dõi, điều trị dứt điểm ca bệnh
Về bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên tại Đồng Nai, theo bác sĩ Bùi Thái Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, đầu tháng 8-2024, bệnh nhân có nổi hạch ở vùng cổ. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám và được chẩn đoán viêm hạch, gia đình lấy thuốc về nhà cho bệnh nhân uống. Đến ngày 22-8, bệnh nhân không đỡ, bị áp xe vùng mô mềm cổ phải nên được nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để mổ lấy hạch.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, các bác sĩ đã tiến hành rạch phần áp xe lấy mủ và tiến hành cấy mủ, làm xét nghiệm. Với công nghệ và máy móc hiện đại, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Để đảm bảo kết quả chính xác, bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm. Kết quả khẳng định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Với ca bệnh này, ngay từ đầu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã truyền kháng sinh để điều trị liên tục trong 2 tuần. Bệnh nhân đáp ứng tốt với kháng sinh nên công tác điều trị có hiệu quả. Bệnh viện cũng tiến hành cách ly bệnh nhân và đảm bảo tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
“Khoảng một tuần sau điều trị, kết quả xét nghiệm vi trùng đã âm tính, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà. Bệnh nhân sẽ tiếp tục uống thuốc kháng sinh thêm 3 tháng để triệt tiêu hoàn toàn vi trùng gây bệnh, đồng thời tái khám theo định kỳ 2 tuần/lần để bác sĩ đánh giá” - bác sĩ Nghĩa nói.
Biện pháp phòng ngừa chính đối với bệnh Whitmore là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính từ trước như đái tháo đường, bệnh gan mạn. Khi tiếp xúc với đất, nước, cần sử dụng đồ bảo hộ lao động phù hợp như găng tay, ủng cao su.
Nếu chẳng may bị vết thương, tránh để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn khi chưa lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn. Khi ra ngoài trời, cần mang khẩu trang, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi. Khi có những vấn đề về sức khỏe, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.