Không nản lòng trước khó khăn, nhà giáo bám trụ với nghề

Ở Hải Dương, không ít giáo viên đã trải qua giai đoạn khó khăn, vất vả nhưng các thầy, cô vẫn một lòng yêu học sinh và quyết tâm bám trụ với nghề.

Chị Lưu Thị Mị, giáo viên Trường Mầm non Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã trải qua không ít gian nan để bám trụ với nghề

Chị Lưu Thị Mị, giáo viên Trường Mầm non Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã trải qua không ít gian nan để bám trụ với nghề

Lương thấp

Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị Lưu Thị Mị (sinh năm 1983), giáo viên Trường Mầm non Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã trải qua không ít vất vả.

Vào nghề từ năm 2005, khi đó lương chỉ khoảng 300.000 đồng/tháng, cho đến năm 2011, lương của chị cũng không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Năm 2011, chị Mị xây dựng gia đình nhưng hôn nhân không được trọn vẹn. Từ năm 2014 chị mới được vào biên chế, nhưng gánh nặng gia đình đè lên vai, một mình chị nuôi 2 con nhỏ. Lúc xây nhà chị chỉ có 10 triệu đồng. Được đồng nghiệp và anh chị em trong gia đình hỗ trợ chị cũng dựng được ngôi nhà cấp 4 xây bằng gạch ba banh.

Chị Mị cho biết suốt giai đoạn từ 2014-2020, lương khoảng từ 2-6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nợ tiền xây nhà, nuôi con ăn học, vừa đi làm vừa học đại học, chi phí rất tốn kém. Hằng tháng chị phải “giật gấu vá vai”, tháng này vay, tháng sau trả để có tiền trang trải cuộc sống. Chị phải bán hàng thêm và học thêm nghề xoa bóp, bấm huyệt để kiếm thêm thu nhập.

Đến nay, nợ xây nhà đã trả xong, lương được khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng các con đang tuổi ăn học tốn kém, chị vẫn phải co kéo. Khó khăn là vậy nhưng chị Mị luôn yêu nghề, lạc quan, khắc phục mọi khó khăn để hằng ngày được đến trường chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

“Lương không đủ sống nhưng tôi cũng chưa từng có ý định bỏ nghề. Cuộc sống vất vả hơn khi phải làm thêm nhưng vẫn cảm thấy vui. Yêu nhau mấy núi cũng trèo mà”, chị Mị nói.

Trả lương bằng thóc

Chị Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1970) ở Trường Mầm non Đồng Lạc (Nam Sách) vào nghề từ năm 1989.

“Sáng sớm đi, tối muộn về. Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường, Chồng thì khi giận khi thương. Trẻ thì đứa ẩm, đứa ương - lạ đời. Lương mình chẳng đủ mình ăn. Thì em cấy ruộng cho bằng người ta!...”. Đây là đoạn thơ chị đọc để nói về nghề của giáo viên mầm non.

Chị Hạnh kể suốt giai đoạn 1989-2000, những giáo viên như chị nhận lương bằng thóc. Ngày làm ở trường, đêm về ra đồng làm tiếp. Giai đoạn này rất khó khăn, nhiều giáo viên bỏ nghề. Nhớ lại cảnh cầm cân đến từng nhà lấy từng cân thóc mà chị Hạnh không nghĩ có thể bám trụ với nghề được đến tậy bây giờ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Đồng Lạc (Nam Sách) vẫn yêu và bám trụ với nghề

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Đồng Lạc (Nam Sách) vẫn yêu và bám trụ với nghề

Khó khăn nhất là giai đoạn 2005-2008, chị nhận lương chỉ hơn 1,6 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cả 2 vợ chồng không đủ chi tiêu, trong khi cả 2 con cùng vào THPT và đại học. Năm 2014, chị Hạnh vào biên chế, mức lương vẫn rất thấp chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng. Mãi đến năm 2020, lương tăng lên khoảng 6 triệu đồng. Hiện mức thu nhập của chị đã khá hơn rất nhiều, trên 10 triệu đồng, nhưng đến khi được hưởng lương cao hơn thì chỉ còn hơn 1 năm nữa chị về nghỉ chế độ.

Chị Mị và chị Hạnh chỉ là 2 trong rất nhiều giáo viên khác đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn yêu và bám trụ với nghề cho đến nay. Chị Hạnh cho biết nhiều giáo viên hợp đồng còn khó khăn hơn. Công việc của họ thậm chí còn vất vả hơn giáo viên biên chế nhưng lương cũng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

Một bộ phận khác cũng rất khó khăn là những giáo viên hợp đồng, giáo viên trẻ hoặc vừa mới ra trường. Đặc biệt là những giáo viên hợp đồng, không chỉ có thu nhập bấp bênh mà còn phải xoay xở để đóng tiền bảo hiểm hằng tháng.

Một giáo viên trẻ trong 5 năm đầu, lương cũng chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, nhiều giáo viên chật vật và không đủ sống. Một số giáo viên trẻ mới vào nghề ở thị xã Kinh Môn cho biết từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng lên đáng kể nhưng vật giá leo thang, họ vẫn phải co kéo các khoản chi tiêu.

Không chỉ khó khăn về kinh tế, gia đình, lo “cơm áo, gạo tiền”, nhiều giáo viên còn áp lực với công việc chuyên môn giảng dạy, thi đua tại trường. Giáo viên còn đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ học sinh “cá biệt”, phụ huynh và dư luận xã hội… Tuy nhiên, họ vẫn hằng ngày soạn bài, đến lớp đều đặn.

Ông Vũ Bá Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hải Dương cho biết không thể phủ nhận một bộ phận giáo viên còn rất khó khăn, nhất là giáo viên trẻ và giáo viên mầm non. Ngành giáo dục cũng đã phải đối diện với làn sóng giáo viên nghỉ việc. Khi đời sống được bảo đảm thì nhà giáo mới có thể yên tâm công tác tốt thay vì "lo dạy thêm, bươn chải cuộc sống". Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên.

Những năm gần đây, tiền lương và thu nhập của giáo viên đã được cải thiện đáng kể nhờ các ưu đãi và những quyết sách kịp thời của tỉnh. Đó là việc liên tục tuyển dụng giáo viên, tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp; hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng đối với giáo viên mầm non, 700.000 đồng/tháng đối với giáo viên thu nhập thấp. Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng lên đáng kể.

Thông tin trong dự thảo Luật Nhà giáo đã quan tâm các chính sách đột phá cho nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ ưu đãi... khiến đa số giáo viên đều vui mừng, chờ đợi, trong đó có chị Mị.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khong-nan-long-truoc-kho-khan-nha-giao-bam-tru-voi-nghe-398315.html
Zalo