Không may làm vỡ nhiệt kế, người phụ nữ bị nhiễm độc thủy ngân

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm chống độc của bệnh viện mới tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do sử dụng nhiệt kế thủy ngân sai cách.

Theo lời bệnh nhân L.T.H (34 tuổi, ở Hải Phòng), đêm 24/6, con chị H bị sốt nên chị lấy nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho con. Khi vẩy nhiệt kế, không may nhiệt kế bị vỡ và đâm trực tiếp vào ngón tay thứ 2 của bàn tay trái.

Ngón 2 bàn tay trái của người bệnh bị nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: Báo Người lao động

Ngón 2 bàn tay trái của người bệnh bị nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: Báo Người lao động

Sau 1-2 hôm, ngón tay trỏ của chị H bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bầm tím. Chị H tự mua thuốc về uống thì thấy tình trạng không thuyên giảm nên đã đến bệnh viện địa phương để thăm khám và điều trị.

Kết quả quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh ngón 2 bàn tay trái chứa nhiều hạt thủy ngân. Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm độc thủy ngân với tình trạng ngón 2 bàn tay trái sưng nề, đồng thời trên phim chụp có rất nhiều hạt thủy ngân ở ngón tay chưa thoát được ra ngoài.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh và phẫu thuật gắp toàn bộ hạt thủy ngân trong ngón tay bởi các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện. Sau ca phẫu thuật, ngón tay của bệnh nhân hiện không còn chứa các hạt thủy ngân, tay người bệnh đã đỡ đau hơn.

Hiện bệnh nhân H đã tỉnh táo, không còn sốt, ngón tay không còn chứa hạt thủy ngân, bệnh nhân đã đỡ đau hơn rất nhiều. Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến thông tin.

Nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ do đó người dân cần chú ý sử dụng. Ảnh minh họa

Nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ do đó người dân cần chú ý sử dụng. Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2021, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã từng điều trị cho một bệnh nhi 11 tuổi là cháu N.N.Y. Bệnh nhân bị nhiễm độc thủy ngân do người thân sơ ý, khiến nhiệt kế chọc mạnh vào tay trái của cháu và bị vỡ, tạo nên vết thương. Các bác sĩ đã mất khoảng hơn 1 giờ dưới kính lúp phẫu thuật để có thể lấy hết những hạt thủy ngân ra khỏi cơ thể cháu bé. Bệnh nhân cũng đã được giải độc thành công.

Theo các bác sĩ, trong trường hợp hạt thủy ngân không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, gây viêm nhiễm tại chỗ, thậm chí có trường hợp gây hoại tử phải cắt bỏ chi.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân người dân cần cẩn thận không để vỡ, nếu không may bị vỡ cần xử lý đúng cách. Đặc biệt, khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho trẻ cần có sự giám sát của người lớn, không để trẻ tự ý sử dụng.

Nếu thủy ngân trong nhiệt kế khi bị rơi ra ngoài (do nhiệt kế bị vỡ), người dân tuyệt đối không được dùng máy hút để hút mảnh vỡ có dính thủy ngân, bởi thủy ngân dễ bay hơi ở nhiệt độ nóng và dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/khong-may-lam-vo-nhiet-ke-nguoi-phu-nu-bi-nhiem-doc-thuy-ngan-439022.html
Zalo