Không mang theo GPLX bản cứng, nếu vi phạm giao thông, có bị tạm giữ giấy tờ trên ứng dụng VNeID không?
Từ tháng 7-2024, giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe… và các loại giấy tờ khác đã được xác thực trên ứng dụng VNeID có giá trị tương đương như kiểm tra giấy tờ bản cứng.
Ứng dụng VNeID là gì?
Ứng dụng VNeID hay còn được gọi là tài khoản định danh điện tử, tích hợp nhiều thông tin và giấy tờ quan trọng như căn cước công dân (CCCD), giấy phép lái xe (GPLX), giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT), thông tin thuế, sổ hộ khẩu điện tử… giúp việc thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh gọn hơn.
Với sự phát triển mạnh mẽ của chính phủ điện tử, việc tích hợp các loại giấy tờ cá nhân vào ứng dụng VNeID không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mà còn giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp.

Ứng dụng VNeID hỗ trợ tích hợp nhiều loại giấy tờ, giúp đơn giản hóa các thao tác khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: MINH HOÀNG
Tạm giữ GPLX trên ứng dụng VNeID nếu vi phạm giao thông
Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Một điểm đáng chú ý là Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12. Cụ thể, khi thông tin GPLX, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định… (sau đây gọi chung là giấy tờ) đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì việc kiểm tra những thông tin này có giá trị tương đương như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Theo Thông tư mới, nếu người điều khiển phương tiện xuất trình GPLX trên VNeID thì lực lượng chức năng sẽ kiểm tra thông tin online. Ngược lại, trong trường hợp người dùng cung cấp giấy tờ xe (bản cứng) thì sẽ kiểm tra theo cách thông thường.
Điểm g khoản 2 Điều 21 quy định, trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì khi tạm giữ giấy tờ, người có thẩm quyền sẽ thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.

Lực lượng CSGT xử phạt, tạm giữ GPLX trên ứng dụng VNeID khi người dùng vi phạm giao thông. Ảnh: Bộ Công an
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng sẽ cập nhật thông tin về việc tạm giữ giấy tờ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng VNeID.
Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.
Không xuất trình được GPLX khi có yêu cầu kiểm tra bị phạt bao nhiêu?
Theo các quy định trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lỗi không mang theo GPLX sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, cụ thể:
- Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô kinh doanh vận tải không mang theo GPLX trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
- Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô kinh doanh vận tải không mang theo GPLX, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Không mang theo GPLX khi tham gia giao thông có thể bị phạt. Ảnh: MINH HOÀNG