Không lơ là với dịch bệnh

Trước yêu cầu bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp cuối năm, nhất là cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó có mặt hàng thiết yếu là thịt lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 6-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến tương đối phức tạp. Trên địa bàn cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ dịch bệnh tại 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố với tổng số lợn buộc tiêu hủy là 81.030 con. Điều đáng quan tâm là số lợn phải tiêu hủy cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, một diễn biến liên quan là cơn bão số 3, số 4 và số 6 xảy ra trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Nhiều địa phương ở miền Bắc, người chăn nuôi gần như trắng tay sau cơn bão số 3, việc khôi phục sau thiên tai không thể trong “ngày một, ngày hai”.

Như vậy, dịch bệnh cùng thiên tai đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi và xa hơn là nguy cơ tác động đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần.

Yêu cầu hiện nay là các địa phương cần triển khai ngay các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 14/CT-TTg, kịp thời thực hiện ngay các biện pháp, hướng dẫn của ngành chức năng để ngăn chặn có hiệu quả bệnh Dịch tả lợn châu Phi, khôi phục và bảo đảm nguồn cung thịt lợn - mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình. Trong đó, các địa phương đang có ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi cần xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Không riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn, trong thời điểm giao mùa này, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn của lực lượng chuyên ngành để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Ngoài ra, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để ngăn chặn được từ sớm, từ xa; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.

Một vấn đề nữa mà các địa phương cũng cần lưu ý là từ nay đến cuối năm là thời điểm “đến hẹn lại lên” của tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép động vật từ nước ngoài vào nước ta.

Ở góc độ người chăn nuôi, ngoài đẩy mạnh sản xuất, tái đàn gia súc, gia cầm, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành, tuyệt đối không lơ là, chủ quan và luôn quan tâm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-lo-la-voi-dich-benh-683838.html
Zalo