Không khuyến khích và áp điều kiện chi trả

Trên thế giới hiện nay, hầu hết các quốc gia không khuyến khích hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Một số nước thuộc hệ thống lương hưu mức hưởng xác định trước giống như Việt Nam cho phép hình thức này nhưng việc chi trả một lần phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Singapore không có chính sách BHXH một lần, nhưng có quỹ BHXH tiết kiệm riêng là Quỹ Phòng xa trung ương (CPF) nhằm hỗ trợ người lao động giải quyết các nhu cầu cấp thiết trước mắt. Quỹ này có sự tham gia của người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ với mục tiêu là đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cho các thành viên như chỗ ở tạm thời, thức ăn, quần áo và các dịch vụ về sức khỏe khi họ về già hoặc các nhu cầu khác khi họ không còn khả năng làm việc.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Người tham gia có thể rút tiền trong các trường hợp nghỉ hưu, tàn tật vĩnh viễn, sở hữu nhà ở và chăm sóc y tế. Các khoản tiền trợ cấp, phụ cấp bắt buộc phải đóng vào quỹ CPF bao gồm: các loại tiền thưởng (làm việc hiệu quả, chuyên cần, doanh thu, thưởng lễ, tết); các khoản phụ cấp (sinh hoạt, điện thoại, công tác, du lịch, tiền ăn, tiền học cho con, làm ngoài giờ, làm ban đêm, ngày lễ, du lịch…).

Theo Luật Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc, người đóng bảo hiểm dưới 15 năm có thể chọn dừng đóng và nhận chi trả một lần, tuy nhiên, họ có những chính sách hưu trí riêng để khuyến khích người dân duy trì việc tham gia BHXH nhằm được hưởng lương hưu.

Luật Hưu trí Hàn Quốc có quy định về BHXH một lần. Đối tượng hưởng bao gồm người lao động từ đủ 60 tuổi nhưng chưa đủ 10 năm đóng BHXH; bị mất quốc tịch hoặc ra nước ngoài để định cư.

Tương tự như Hàn Quốc, tại Ai Cập, chi trả BHXH một lần chỉ được giải quyết đối với các trường hợp thỏa mãn một trong những điều kiều kiện sau: đủ 60 tuổi nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; di cư ra nước ngoài vĩnh viễn; hoặc phụ nữ được bảo hiểm từ 51 tuổi trở lên trở lên (kết hôn, ly dị hoặc góa phụ) mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí (điều kiện để hưởng chế độ hưu trí là đủ 60 tuổi với ít nhất 10 năm đóng góp).

Đức không có giới hạn mức lương hưu tối thiểu. Nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức sống tối thiểu, sẽ được Nhà nước trợ cấp bù cho bằng với mức sống tối thiểu. Nước này cũng không quy định việc chi trả BHXH một lần cho một khoảng thời gian đóng góp ngắn. Tuy nhiên, Luật Hưu trí của Đức quy định, người lao động phải có ít nhất 5 năm đóng BHXH hưu trí mới được quyền làm đơn xin hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng, với điều kiện là giới hạn về tuổi là 65 tuổi. Từ năm 2012, tuổi giới hạn này tăng dần mỗi năm là 1 tháng cho tới khi đạt 67 tuổi. Mức hưởng sẽ phụ thuộc vào mức đóng.

Đối với người đóng BHXH hưu trí chưa đủ 5 năm mà có yêu cầu thì họ sẽ được nhận BHXH hưu trí 1 lần và chỉ được nhận phần do chính người lao động đóng góp (ví dụ mức đóng góp cho chế độ hưu trí năm 2014 là 18,9%, năm 2015 giảm xuống còn là 18,7%, trong đó người lao động đóng góp 50%; chủ sử dụng đóng góp 50%). Trường hợp này thường được áp dụng đối với những người lao động nước ngoài có thời gian lưu trú ngắn hạn ở Đức. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản tiền trả một lần cho người lao động nếu họ không đóng đủ 5 năm chỉ là phần mà họ đã đóng góp từ phần tiền lương của họ, còn phần đóng góp BHXH của người sử dụng lao động thì không phải là một phần tiền lương của người lao động.

Phần đóng góp của người sử dụng lao động nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thì đây sẽ là một phần của chi phí cho lao động. Đó là lý do cơ bản mà người lao động không được nhận phần đóng góp của người sử dụng lao động nếu họ không hưởng chế độ hưu trí. Doanh nghiệp hay người sử dụng lao động không được hoàn trả lại phần tiền đã đóng góp cho người lao động, vì đó là khoản đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội. Mặt khác, khoản đóng góp của doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cho người lao động đã thực hiện hạch toán vào quá trình sản xuất, vào sản phẩm và đã được thực hiện tiêu dùng trên thị trường và đã kết thúc ở giai đoạn sản xuất của doanh nghiệp.

Luật pháp Canada cũng cho phép người đóng BHXH được thanh toán lương hưu một lần. Tuy nhiên, việc giải quyết chỉ áp dụng trong một số trường hợp, chẳng hạn như người đóng bảo hiểm nghỉ việc sớm trước tuổi nghỉ hưu, có tham gia Kế hoạch Hưu trí dịch vụ công cộng và chuyển giá trị lương hưu sang một phương tiện tiết kiệm hưu trí khác đã được đăng ký. Trường hợp khác là người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo có thể dẫn đến rút ngắn tuổi thọ. Hoặc trong trường hợp, người muốn lĩnh BHXH một lần là đối tượng thụ hưởng của một người đóng bảo hiểm đã qua đời (có thể là con cái). Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập cá nhân của Canada cũng đưa ra các quy định về mức thuế trong trường hợp người lao động quyết định hưởng BHXH một lần. Đây cũng là một biện pháp nhằm khuyến khích lao động về hưu thụ hưởng bảo hiểm theo từng tháng.

Tại Thái Lan, Chương trình trợ cấp BHXH tuổi già khu vực công cho phép người lao động được hưởng trợ cấp một lần khi đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) nhưng có tối thiểu 1 tháng và tối đa không quá 180 tháng tham gia với mức hưởng được tính từ số tiền đóng quỹ của người lao động và người sử dụng lao động cộng với tiền lãi phát sinh. Trong khi đó, chương trình trợ cấp BHXH tuổi già khu vực tư nhân cho phép người lao động đủ 60 tuổi và không tham gia BHXH tuổi già khu vực chính thức được hưởng trợ cấp một lần.

Đạt Quốc (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/khong-khuyen-khich-va-ap-dieu-kien-chi-tra-i380419/
Zalo