Không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cơ quan công an kiểm tra kho sữa giả tại Hà Nội

Cơ quan công an kiểm tra kho sữa giả tại Hà Nội

Ngày 23-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15-5 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17-5 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

“Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh và khẳng định Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm.

Liên quan đến các vụ án về sữa giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả bị công an phát hiện thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, dược, thực phẩm chức năng là thị trường có lợi nhuận cao, dễ bị lợi dụng bởi các đối tượng làm ăn phi pháp. Nhiều hành vi vi phạm đã qua mặt cơ quan chức năng nhờ khai thác kẽ hở pháp luật hoặc những bất cập trong thực tiễn. Hơn nữa, trong bối cảnh thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc quản lý các sản phẩm y tế càng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe và tính mạng người dân.

 Hội nghị được kết nối tới các tỉnh thành trong cả nước

Hội nghị được kết nối tới các tỉnh thành trong cả nước

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm thời gian qua là việc tổ chức hậu kiểm tại địa phương chưa được đồng bộ và nghiêm túc. Nhiều sản phẩm sau khi lưu thông ra thị trường không được kiểm tra, giám sát đầy đủ.

“Với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ sau khi lưu thông ra thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chỉ rõ.

Bộ Y tế đang tập trung xây dựng 2 nghị định về phân định thẩm quyền thực hiện theo chính quyền địa phương 2 cấp, nghị định về phân cấp, phân quyền cho địa phương; đồng thời tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, như Luật An toàn thực phẩm sửa đổi.

Trước ý kiến của nhiều địa phương cho rằng, công tác hậu kiểm đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, trong khi các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả lại rất tinh vi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có kiến nghị với cơ quan chức năng về việc sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cùng với đó, các địa phương cần thường xuyên hơn nữa trong hoạt động thanh kiểm tra nhằm phòng chống hàng giả, hàng nhái, chứ không nên trông chờ vào tháng hành động; đồng thời cần nêu cao vai trò của người dân trong phát hiện, tố giác hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đến cơ quan chức năng.

"Giờ người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, và doanh nghiệp rất quan trọng để giải quyết vấn đề căn cơ, nếu không sẽ khó cho quá trình thực hiện", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Từ năm 2020 đến tháng 5-2025, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng; đồng thời chuyển cơ quan công an 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-khoan-nhuong-voi-cac-hanh-vi-san-xuat-buon-ban-hang-gia-trong-linh-vuc-y-te-post796466.html
Zalo