Không khí hứng khởi của hành trình mới
Từ trụ sở Bộ Ngoại giao đến trụ sở Hội đồng An ninh quốc gia hay Viện Brookings... chương trình hoạt động dày đặc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bầu không khí hứng khởi của hành trình Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vừa 'lăn bánh' tròn sáu tháng.
Từ ngày 23-27/3, người đứng đầu ngành Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên. Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ cũng là đối thoại lần thứ nhất. Tuy nhiên, phần lớn trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là gặp lại những “người bạn cũ”, sôi nổi thảo luận nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9/2023.
“Kim chỉ nam” xuyên suốt
Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất đã “kích hoạt” cơ chế mới, được thỏa thuận tại Tuyên bố chung thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện. Nếu như tại buổi gặp gần đây nhất - buổi cà phê trứng tại Hà Nội, nhiều câu chuyện giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken mới chỉ là những dự định thì trong lần gặp lại này, vừa tròn nửa năm, hai người đứng đầu Bộ Ngoại giao hai nước đã có không ít những thành quả để nhìn lại và tiếp tục hướng tới những mục tiêu dài hạn hơn.
Lãnh đạo cao nhất của Bộ Ngoại giao hai nước đã điểm lại những bước tiến dài trong quan hệ, rà soát các nội dung hợp tác được triển khai kể từ khi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được xác lập trên tất cả các cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Quan hệ chính trị ngoại giao ngày càng được củng cố, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp diễn ra sôi động. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng…
“Kim chỉ nam” trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ của mỗi nước một lần nữa được nhấn mạnh. Theo đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam tiếp tục cùng Hoa Kỳ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày càng hiệu quả, thực chất, ổn định, đồng thời mở rộng không gian hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, nhằm duy trì đà phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Blinken khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như trên thế giới.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Blinken khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ hợp tác Mekong-Hoa Kỳ, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) của Liên hợp quốc.
Hai bên cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới một COC hiệu quả, thực chất.
Xuyên suốt các tiếp xúc của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lần này, còn có thể cảm nhận sự ủng hộ việc hai nước chủ động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến từ nhiều cơ quan, tổ chức quan trọng của phía Hoa Kỳ.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho rằng, chính sự chủ động này sẽ tạo đà tiếp tục đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Các cố vấn và trợ lý Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ nhất quán của hai chính Đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đối với quan hệ song phương và tin tưởng hai nước sẽ gặt hái thêm nhiều trái ngọt trên hành trình mới.
Cũng với tinh thần đó, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh luôn ưu tiên cho quan hệ với Việt Nam và khẳng định USAID sẽ góp sức mình triển khai khuôn khổ quan hệ mới và các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy
Có thể nhận thấy, một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là bài phát biểu chính sách quan trọng tại Viện Brookings. Bộ trưởng nói về nền Ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam, là khát vọng vươn mình, cho mục tiêu 2045 với tâm thế mới…
Trong bài phát biểu, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, mặc dù thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc, khó lường, châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bên cạnh những điểm sáng đó, khu vực cũng tiềm ẩn nhiều thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.
Bộ trưởng khẳng định, trong bối cảnh đó, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục trường phái Ngoại giao cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để ứng phó với các thách thức và duy trì môi trường đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả năm nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động, tự lực, tự cường, Việt Nam cần môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất. Hai nước đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quan hệ song phương kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam năm 2023, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trả lời câu hỏi của một số khách mời, Bộ trưởng khẳng định, dù bối cảnh tình hình có thay đổi, Việt Nam tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn; bày tỏ Việt Nam mong muốn các nước lớn có quan hệ ổn định, lành mạnh và có thể hợp tác ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...
Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động, tự lực, tự cường, Việt Nam cần môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ.
Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới
Hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số đang trở thành một chủ đề nóng bỏng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua và đây được coi như đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn cũng đang trở thành “sứ mệnh” của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vì lẽ đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dịp này dành nhiều thời gian để tiếp tục khơi thông nguồn mạch cho lĩnh vực hợp tác quan trọng này.
Tại cuộc tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Đại học Arizona tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành công hệ sinh thái bán dẫn. Hay tại cuộc gặp trực tuyến Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Keith Strier, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghệ cao, AI và bán dẫn, gợi lại cam kết biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai” của NDIVIA và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực hợp tác để biến mong muốn đó sớm trở thành hiện thực.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược AI quốc gia và sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành bán dẫn đến năm 2030 cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu như NDIVIA, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy quan hệ đối tác với Việt Nam.
Với tinh thần mới, khí thế mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ góp phần tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục duy trì đà triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và thế giới.