Không khí Hà Nội hôm nay: Chỉ số ô nhiễm không khí nghiêm trọng, điểm danh những điểm vượt mức quy định

Ô nhiễm không khí ở thành phố Hà Nội tăng lên ngưỡng xấu và rất xấu đã lan ra khắp thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.

Chất lượng không khí Hà Nội hôm nay

Theo dự báo chỉ số không khí (AQI) Hà Nội của IQ Air, sáng nay (21/1), mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô ở mức 259 US AQI, chất gây ô nhiễm chính P.M2.5. Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe.

Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội tại thời điểm đo cao gấp 36.8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng tím, ngưỡng đỏ. Đặc biệt có điểm còn ở ngưỡng nguy hiểm.

Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức rất nghiêm trọng (nguồn: IQ Air)

Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức rất nghiêm trọng (nguồn: IQ Air)

Một số điểm đo tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng báo động như:

Tây Hồ: 311 US AQI (màu nâu), chất lượng không khí nguy hại.

Đại Học Bách Khoa cổng Parabol đường Giải Phóng, Hai BàTrưng: 247 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.

Ba Đình: 205 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.

Giảng Võ: 224 US AQI (màu tím), chất lượng không khí rất không tốt.

TT giao lưu văn hóa phố cổ - Hoàn Kiếm - Trạm cảm biến, Hai BàTrưng: 189 US AQI (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh

Cung thiếu nhi Hà Nội - Lý Thái Tổ, Hai BàTrưng: 186 US AQI (màu đỏ), chất lượng không khí không lành mạnh.

Số 556 Nguyễn Văn Cừ là 215, công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến , quận Thanh Xuân) là 173 ngưỡng xấu.

Sức khỏe bị ảnh hưởng thế nào khi ô nhiễm không khí?

Theo đó, khi ô nhiễm không khí, các nhóm đối tượng nhạy cảm sẽ cảm nhận được tác động đến sức khỏe ngay lập tức. Cần đóng các cửa sổ để tránh không khí ô nhiễm đồng thời nên giảm hoạt động ngoài trời.

Chất lượng không khí tốt nằm trong khoảng từ 0 đến 50, trong khi các phép đo trên 300 được coi là nguy hiểm.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.

Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.

Vì vậy, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khong-khi-ha-noi-hom-nay-chi-so-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-diem-danh-nhung-diem-vuot-muc-quy-dinh-17225012110432371.htm
Zalo