Không hợp thức hóa sai phạm trong dịch vụ karaoke
Sau nhiều vụ cháy xảy ra ở các cơ sở karaoke, vũ trường, hoạt động kinh doanh lĩnh vực này gần như đóng băng bởi nhiều hộ không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Điều này là vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta biết rằng, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; quy định rõ điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này. Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP”.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, liên quan đến quy định PCCC, thời gian qua, loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke gặp những vấn đề như sau: thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến loại hình cơ sở kinh doanh karaoke (xây dựng, PCCC, điện, cấp giấy phép an ninh trật tự) có sự chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho DN trong việc khắc phục, bảo đảm an toàn về PCCC.
Thứ hai, đa số cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ngay từ thời điểm đưa công trình vào hoạt động và không được duy trì thường xuyên. Cụ thể, công trình không đủ lối thoát nạn hoặc không bảo đảm theo quy định; sử dụng vật liệu trang trí nội thất trên đường thoát nạn, phòng hát không bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa; không trang bị đủ phương tiện PCCC hoặc không duy trì chế độ hoạt động của hệ thống theo đúng chức năng...
Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về PCCC, có tâm lý làm đối phó, dẫn đến vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng.
Tất cả những nguyên nhân này khiến cho việc thực hiện nghiêm các quy định về PCCC trở nên khó khăn nên khi Chính phủ dù có chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động PCCC trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm” vẫn khiến hoạt động kinh doanh này chưa thể hoạt động trở lại sớm như mong muốn.
Để sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất Bộ VHTT&DL tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke theo thẩm quyền, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke; đồng thời chỉ đạo Sở VHTT&DL kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh theo quy định trước khi cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các DN, hộ kinh doanh karaoke.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Tôi cũng tin rằng, do kinh doanh dịch vụ karaoke là dịch vụ hết sức đặc thù, cần có sự phối hợp của các ngành công an, xây dựng, công thương nên hoạt động quản lý của Bộ VHTT&DL chỉ có thể hiệu quả nếu có sự phối với các bộ, ngành và của UBND các cấp. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương cấp phép, quản lý dịch vụ karaoke vừa chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, vừa giúp để dịch vụ đặc thù này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội ở các địa phương”.