Không gian phát triển mới cho ngành Ngân hàng Khu vực 2
TP. Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành một siêu đô thị, mở ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại đầu tư vốn tín dụng và phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Lập big data minh bạch thông tin
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh năm 2024 đạt khoảng 70 tỷ USD, tương đương 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm 15,4% GDP cả nước. Sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không gian phát triển mới của thành phố có diện tích 6.700 km2, GRDP dự kiến đạt hơn 112 tỷ USD, tương đương 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 24% GDP cả nước.
TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, các dự án hạ tầng đang mở ra cơ hội để hệ thống ngân hàng tham gia sâu hơn. Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ mời gọi các ngân hàng thành lập công ty con, ngân hàng con, đồng thời thúc đẩy giao dịch tài chính và mời gọi đầu tư với 3 trụ cột phát triển của vùng là: kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu với điểm nhấn khu thương mại tự do tại cảng Cái Mép - Thị Vải; Bình Dương là vùng công nghiệp trọng điểm; TP. Hồ Chí Minh với sàn chứng khoán 10 triệu tài khoản, hệ thống ngân hàng năng động và các hoạt động công nghiệp công nghệ cao, khu thương mại tự do Cần Giờ đang được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hữu, sau sáp nhập thành phố đặt thêm bốn lĩnh vực mới phát triển để thu hút nhà đầu tư tiến tới mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số từ giai đoạn mới, bao gồm: Hạ tầng giao thông đô thị; Hạ tầng khu công nghiệp đón nhà đầu tư sản xuất chip bán dẫn; Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn (big data) và Phát triển đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Ngân hàng sẽ tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn quy mô lớn hơn sau khi TP. Hồ Chí Minh hợp nhất với hai tỉnh, trở thành siêu đô thị
Ngân hàng vừa cung ứng dịch vụ, vừa là nhà đầu tư
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, TP. Hồ Chí Minh là thị trường trọng điểm với quy mô lớn nhất nước, có tiềm năng phát triển rất cao. Ngân hàng này ghi nhận các chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh huy động vốn khoảng 350.000 tỷ đồng, với dư nợ cho vay tương đương. Dự kiến, sau hợp nhất, vốn huy động của các chi nhánh trên địa bàn dự kiến tăng lên 410.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vượt 400.000 tỷ đồng.
Ông Tú nhấn mạnh, hợp nhất hai tỉnh là “cơ hội lịch sử” để TP. Hồ Chí Minh đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, tập trung kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Thành phố cần đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh các ngành dịch vụ vận tải, logistics, tài chính. Thành phố đang tập trung cho đầu tư phát triển sẽ là cơ hội làm cho năng suất lao động tăng lên rất nhanh, đảm bảo tăng trưởng chiều sâu của nền kinh tế, ông Tú khẳng định.
BIDV với trách nhiệm là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối sẽ trực tiếp tham gia vào Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh (sau khi Quốc hội thông qua). Theo đó, BIDV sẽ tham gia cung ứng dịch vụ và giao dịch tài chính, đồng hành với thành phố trong phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình… nhằm thu hút vốn phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, xanh hóa giao thông đô thị…
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, trong bốn lĩnh vực mà Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh gợi ý ở trên, có ba lĩnh vực Agribank đang tập trung theo đuổi xây dựng phát triển. Trong đó ngân hàng đã có kinh nghiệm làm việc rất hiệu quả với các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Agribank vừa qua tham gia 60.000 tỷ đồng vào gói tín dụng 500.000 tỷ đồng do NHNN Việt Nam chỉ đạo, trong đó có phát triển hạ tầng.
Về đầu tư cho DNNVV, thời gian qua ngành Ngân hàng đầu tư rất lớn cho nhóm khách hàng này, đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn, nên thông tin của DNNVV sẽ ngày càng minh bạch, kết nối với cơ quan thuế, hải quan… Đây là cơ hội lớn cho các ngân hàng nói chung, trong đó có Agribank nắm bắt thông tin chính xác, nhanh chóng, từ đó tiết kiệm chi phí là cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với DNNVV.
“Cà phê Doanh nhân” kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, TP. Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành Ngân hàng 3 địa phương này sẽ có quy mô huy động vốn trên 4,6 triệu tỷ đồng, quy mô dư nợ tín dụng khoảng hơn 4,5 triệu tỷ đồng (số liệu tính đến 30/4/2025). So với quy mô cả nước, huy động vốn tại 3 tỉnh, thành phố này chiếm tỷ trọng 29,6%; dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng 27,8%.
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng phát triển của thành phố sau hợp nhất, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng trong giai đoạn tới, cung ứng nguồn vốn tín dụng và nền tảng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán để doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển.
Để đóng góp vào kinh tế tăng trưởng hai con số của thành phố, NHNN chi nhánh Khu vực 2 đề xuất một số định hướng trọng tâm như: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
“Căn cứ vào kế hoạch của UBND thành phố về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, chúng tôi đã ban hành kế hoạch về Kết nối thông qua mô hình “Cà phê Doanh nhân” trên địa bàn”, ông Tuấn nói và cho biết, mô hình này NHNN Khu vực 2 phối hợp với Hội Doanh nghiệp tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng; Xây dựng thành mối quan hệ bền vững giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tại các buổi cà phê này, các bên có thể trao đổi, kiến nghị để cùng nhau tháo gỡ kịp thời vướng mắc. “Cà phê Doanh nhân” sẽ tiếp tục được duy trì hiệu quả hoạt động sau ngày 1/7/2025 - khi thành phố thay đổi địa giới hành chính. Qua đó, thông tin chính sách tín dụng, lãi suất đến doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tư vấn trực tiếp các sản phẩm tín dụng phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được tổ chức thực hiện hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Từ đó tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đóng góp vào thúc đẩy kinh tế thành phố.