Không 'gà bài' trước cho học sinh, thi giáo viên giỏi, thầy cô có dễ để đạt?
Giá như có thể xem hạn chế tiết dạy từ đâu, là do bản thân người dạy thi hay từ tồn tại của tiết dạy trước để cân nhắc mới khuyến khích được giáo viên dạy thật.
Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đã giảm được khá nhiều áp lực cho giáo viên dự thi so với thông tư cũ trước đây.
Giáo viên đã không còn phải trải qua 3 vòng thi: vòng thi sáng kiến kinh nghiệm, vòng đánh năng lực bằng bài viết trả lời các câu hỏi về các nội dung liên quan đến chính sách giáo dục và vòng thi giảng dạy trên lớp với 2 tiết dạy tự chọn và bắt buộc.
Quy định mới chỉ còn trình bày một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trước Ban giám khảo và trải qua 1 tiết dạy ở khối lớp giáo viên đang giảng dạy nhưng ở một trường học do ban giám khảo chọn trước đó.
Bốc thăm môn dạy, ngày dạy và lớp dạy
Nếu ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên chỉ cần bốc thăm lớp dạy, ngày dạy thì giáo viên tiểu học phải bốc thăm thêm môn dạy. Bởi, các thầy cô giáo tiểu học dạy khá nhiều môn.
Sau khi bốc thăm lớp dạy (tại một ngôi trường khác), giáo viên được gặp lớp khoảng 15 phút dưới sự giám sát của một thành viên Ban giám khảo. Các thầy cô chỉ có đủ thời gian làm quen với học sinh và dặn dò về nhà học lại bài cũ, xem thêm bài mới.
Thi một tiết dạy vừa là giảm tải vừa tăng áp lực
Theo quy định cũ, Hội thi giáo viên giỏi phải dạy 2 tiết ở 2 khối lớp thì bây giờ, giáo viên chỉ còn dạy một tiết ngay khối mình đang dạy hằng ngày. Nghe thì thấy Hội thi giáo viên giỏi đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, giảm 1 tiết dạy nhưng áp lực vẫn không hề giảm.
“Nếu dạy 2 tiết như trước đây, tiết một đạt tiết dạy khá thì vẫn còn cố gắng ở tiết thứ hai đạt tốt là đã đỗ. Bây giờ chỉ thi một tiết, nếu có sơ xuất sẽ không còn cơ hội gỡ gạc, là sẽ trắng tay ”, cô giáo Minh Anh, giáo viên một trường tiểu học mới tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cho biết.
Chỉ có một tiết dạy thi nên nhiều thầy cô giáo tham dự Hội thi càng phải chuẩn bị kỳ công, theo cách nói vui của nhiều thầy cô giáo là “chuẩn bị từ a tới z” nếu không muốn bị rớt.
Chuẩn bị từ “A tới Z” là thế nào?
Theo quy định của Hội thi: “Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi…”.
Vì dạy dự thi tại một trường học khác nên việc tổ chức dạy trước, dạy thử lớp học giáo viên sẽ tham gia dự thi là không bao giờ xảy ra.
Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo cũng có những “bí kíp” để giúp cho bài dạy thi của mình được diễn ra suôn sẻ hơn mà nhiều người gọi vui là “gà bài”, “mớm bài”.
Đầu tiên, giáo viên sẽ liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp ấy để nhờ giúp đỡ thêm. Đối với môn dễ, bài dễ thì việc nhờ vả cũng ở mức độ bình thường. Nhưng đối với bài khó dạy (khó về phía học sinh), đặc biệt là những bài mà thầy cô tiên lượng học sinh sẽ làm chậm, ảnh hưởng đến thời gian tiết dạy thì buộc phải nhờ giáo viên chủ nhiệm lớp giúp đỡ bằng cách “gà bài” trước.
Theo tâm lý, dù không quen thân nhưng khi được giáo viên dự thi nhờ vả thì đa phần các thầy cô giáo chủ nhiệm đều nhiệt tình giúp đỡ. Bởi, lớp học mà chậm quá, làm ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy thi thì giáo viên chủ nhiệm cũng bị ảnh hưởng.
Tuy thế, không phải giáo viên nào cũng chọn cách “gà bài”, “mớm bài” cho an toàn tiết dạy. Vẫn còn nhiều thầy cô đề cao cách dạy thật và chấp nhận sự rủi ro.
"Gà bài" trước khi dạy sẽ khiến học sinh mất hứng thú
Thông tin cô giáo Hoa, một đồng nghiệp tổ của tôi bị trượt trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện vừa qua, đã làm không ít thầy cô giáo trong trường (trừ tôi) bất ngờ. Bởi, cô Hoa là người có năng lực thật sự.
Cô vừa là tổ trưởng chuyên môn, vừa là giáo viên cốt cán của tỉnh. Cô đã nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Thế nhưng lần này, cô lại bị trượt trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện nên khiến nhiều người thấy ngỡ ngàng.
Tôi nói mình không bất ngờ, vì là người chung tổ nên tôi hiểu rất rõ nguyên nhân vì sao đồng nghiệp của mình lại bị rớt.
Tôi nghĩ, tiết dạy dự thi của cô không được ban giám khảo đánh giá cao, không phải do năng lực của cô kém mà do cô đã chọn cách "mạo hiểm".
Phải khẳng định ngay rằng, có những môn, những bài dạy không cần giáo viên phải “dạy diễn” nhưng vẫn đỗ. Lại có những môn, những bài nếu giáo viên không có sự chuẩn bị kỹ càng cho học sinh thì khó đỗ. Và bài dạy của cô giáo Hoa là một ví dụ.
Theo đó, cô Hoa bốc thăm môn dạy tiếng Việt lớp 2 với bài dạy có 2 nội dung yêu cầu học sinh:“Viết tin nhắn cho người thân” theo gợi ý: Viết cho ai? Nhân dịp gì? Chúc mừng điều gì?
Nội dung thứ hai là:“Trao đổi với bạn một câu chuyện em thích theo gợi ý: Tên truyện; Tên tác giả; Nhân vật em thích; Lý do em thích”.
Nội dung có thể với nhiều người đọc qua thì thấy thì khá đơn giản nhưng với học sinh lớp 2 vừa học 9 tuần thì kỹ năng viết tin nhắn bưu thiếp còn khá lúng túng. Không ít học sinh, dù thầy cô có giảng bài, có hướng dẫn kỹ càng thì cũng khó khăn để viết hoàn thành một bưu thiếp trong thời gian ngắn.
Mặc dù, đây chỉ là tiết luyện tập, trước đó đã có 1 tiết dạy về cách viết bưu thiếp và 1 tiết về cách làm, trang trí bưu thiếp. Tuy nhiên, nếu 2 tiết đó, giáo viên chủ nhiệm dạy không kỹ thì tiết ôn tập này, học sinh cũng khó mà đạt mục tiêu.
Là người dạy cùng tổ, cũng là giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và từng tham gia khá nhiều hội thi giáo viên giỏi, tôi đã nói với cô Hoa: “Tiết dạy này của em, về phần giáo viên cũng không phải chuẩn bị nhiều, chỉ xem nên sử dụng hình thức dạy học nào cho hợp lý, cho sinh động để hiệu quả cao.
Tuy nhiên, phải chuẩn bị thật kỹ cho học sinh vì mình không nắm chắc được trình độ học sinh lớp ấy, trường ấy học thế nào, không biết được bài cũ trước đó, giáo viên dạy có kỹ không? Có bao nhiêu em đã có thể viết được bưu thiếp?
Nội dung thứ 2 của bài cũng phải “gà” cho các em cách nói, cách chia sẻ về một truyện đã đọc. Nếu không, vào tiết dạy cũng chẳng mấy em nói được đâu. Cứ nhìn học trò của mình dạy hằng ngày là biết. Đến giờ kể chuyện, có mấy em biết chia sẻ lại câu chuyện từ những cuốn sách mình đã đọc được trước đó?
Vì thế, em nên nhắn cho giáo viên hoặc em nên hướng dẫn cách viết trước. Khi vào bài dạy, các em sẽ biết cách viết và viết nhanh hơn mà mình cũng không mất nhiều thời gian sửa bài. Hội thi chỉ có một tiết dạy, sơ sót là không có cơ hội để sửa đâu.
Tuy nhiên, cô Hoa khẳng định: “Em không làm thế được, gà bài trước khi dạy, em khó chịu lắm. Học sinh biết trước rồi thì chẳng còn hứng thú học, mình cũng không hứng thú dạy nữa. Đây là tiết luyện tập, trước đó đã có 2 tiết rồi nên em tin học sinh sẽ viết được".
“Mình cũng hiểu là không nên dạy diễn nhưng nhỡ bài trước giáo viên dạy chưa kỹ cách viết bưu thiếp cho học sinh thì có phải em sẽ bị động trong khi dạy hay không? Chỉ cần học sinh viết chậm, thời gian kéo dài tiết dạy khoảng 10 phút thì cũng thất bại rồi”, tôi nói vậy vẫn không lay chuyển được suy nghĩ của đồng nghiệp mình.
Trước ngày xuống địa điểm điểm thi, cô Hoa đã mượn lớp của tôi dạy theo bài mình đã soạn. Do tiết học trước tôi đã hướng dẫn học sinh cách viết bưu thiếp khá kỹ nên khi vừa đọc yêu cầu, em nào cũng biết viết, biết trình bày. Tiết dạy diễn ra khá ổn. Cô Hoa càng tự tin với quyết định của mình.
Sau khi kết thúc tiết dạy trở về trường, cô Hoa buồn rầu nói: “Em không ngờ học sinh lại học chậm đến vậy. Cả lớp chỉ có vài em biết viết bưu thiếp, trong khi đây là tiết thứ 3 học về bưu thiếp. Lúc đầu em cho lớp làm nhóm nhưng thấy tình hình không ổn nên cho quay lên lớp để hướng dẫn làm lại. Em thất vọng quá”.
Ngoài ra, cô Hoa còn cho biết luôn. Viết bưu thiếp không được mà chia sẻ câu chuyện cũng không xong. Hỏi thì chẳng ai trả lời đã đọc được truyện nào. Trong khi 8 tuần học vừa qua, cũng đã có 8 câu truyện khá hay trong sách tiếng Việt nhưng hỏi thì chẳng em nào nhớ để nói.
“Em đã phải gợi ý tên câu chuyện để từng em trả lời mà cũng không nói được. Tiết dạy của em thất bại rồi”, cô Hoa buồn bã cho biết.
Tôi chỉ biết an ủi: “Khi học sinh không làm được bài, em đã cho cả lớp quay lên bảng để hướng dẫn kỹ lại. Khi học sinh không biết chia sẻ câu chuyện, em cũng đã có những câu hỏi gợi mở chi tiết để học sinh nói...
Cô thấy cách xử lý tình huống như vậy hợp lý. Hy vọng ban giám khảo sẽ thấy và đánh giá được lỗi nào thuộc kiến thức bài trước, lỗi nào thuộc về người dạy dự thi.
Ví dụ như học sinh không biết viết bưu thiếp dù đã học trước đó 2 tiết, không nhớ nổi tên một câu chuyện dù đã học trước đó 8 câu chuyện thì là lỗi của giáo viên dạy lớp ấy. Họ sẽ thấy được sự nỗ lực của em, thấy em đã dạy thật nên cứ hy vọng đi”. Nghe thế, cô Hoa cười và nói: Em cũng hy vọng được thế".
Tuy nhiên, sự lạc quan, hy vọng ấy đã bị dập tắt hoàn toàn bằng kết quả tiết dạy dự thi của cô không đạt. Cô giáo Hoa đã trượt trong ngậm ngùi và nuối tiếc.
Tôi cũng cứ băn khoăn và suy nghĩ: Giá như giám khảo có thể xem hạn chế tiết dạy đến từ đâu? Từ bản thân người dự thi hay từ hạn chế từ người dạy trước để đắn đo, cân nhắc trong xếp loại thì mới có thể khuyến khích được giáo viên chọn cách dạy thật.