Không dùng tiền mặt

Giao dịch không dùng tiền mặt đã dần phổ biến và cho thấy nhiều tiện ích, nhất là với người trẻ. Tuy nhiên, không ít người cao tuổi, kể cả người trong độ tuổi trung niên vẫn còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn nên ngại dùng. Từ đó họ cảm thấy lúng túng, đôi khi là lạc lõng.

Tại Hà Nội, mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - không dùng tiền mặt” được thực hiện điểm tại phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy) từ ngày 10/10 vừa qua. Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, ngay sau khi phát động, 100% cơ sở kinh doanh đã khai báo và nộp thuế trực tuyến, cài đặt eTax mobile (ứng dụng thuế trên thiết bị di động). 100% cơ sở cung cấp wifi miễn phí cho khách hàng. 70% cơ sở sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền...

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và một số đơn vị tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đây là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố được chọn để thí điểm xây dựng các tuyến phố không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, TP Hà Nội cũng đã triển khai một số điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt. Đến nay, thành phố đã triển khai 64 điểm đỗ xe thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quận Hoàn Kiếm dẫn đầu với 24 điểm. Không chỉ các quận nội thành mà một số huyện ngoại thành, như Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Mê Linh… cũng đã chọn những điểm chợ truyền thống để ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Thực tế cho thấy, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động mang lại nhiều lợi ích; giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, quản lý được dòng tiền, luồng tiền. Chính vì vậy, Hà Nội xác định thanh toán không dùng tiền mặt là “bước chạy đà” thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đô thị thông minh.

Nhiều người nói vui với nhau là các công ty, doanh nghiệp sản xuất ví giờ chắc phải phá sản, bởi ra đường mấy ai mang tiền mặt đâu. Ăn sáng, uống trà, đổ xăng... rồi ngay cả gửi xe người ta cũng chuyển khoản.

Tuy nhiên, người trẻ thì thấy tiện ích còn người già thì bỡ ngỡ, khó khăn. Hai chữ “chuyển khoản” với họ là vô cùng bỡ ngỡ. Nguyên nhân chính vẫn là khó trong công nghệ. Một số cuộc khảo sát độc lập cho thấy 80% người cao tuổi gặp khó khăn trong việc chấp nhận và thích ứng với công nghệ mới.

Ngoài ra, nhiều người còn sợ nhầm lẫn sẽ bị “mất tiền oan”. Có người lại lo lắng bị kẻ gian lấy mất tiền trong tài khoản. Chưa kể mỗi lần phải xác thực sinh trắc học khi chuyển số tiền trên 10 triệu đồng...

Đó là những lo lắng có thật. Tuy nhiên, không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán sẽ là xu thế tất yếu. Khi mọi hoạt động, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt là nguồn lực tiết kiệm và lợi ích mang lại cho xã hội là rất lớn. Không còn cách nào khác là mỗi người cao tuổi phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình, mạnh dạn từng bước thay đổi thói quen để “không ai bị tụt lại phía sau”, không lạc lõng trong một xã hội công nghệ, văn minh.

Minh Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-dung-tien-mat-10295675.html
Zalo