Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn: Còn đó những nỗi lo

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.

Theo đó, năm học 2024-2025, tất cả các cấp, các khối lớp đều thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Riêng môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trong năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trường học tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ thuộc bài hoặc sao chép văn mẫu.

Cùng với đó, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, môn Ngữ văn cũng không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề đề thi. Điều này khiến giáo viên rất lo lắng, bởi vì việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn ít nhiều gây khó khăn cho học sinh.

Minh họa bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu - một ngữ liệu thơ trong chương trình sách giáo khoa.

Minh họa bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu - một ngữ liệu thơ trong chương trình sách giáo khoa.

Thứ nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, ví dụ chương trình 12, có quá nhiều phạm vi kiến thức, học sinh rất khó để nhớ hết lí thuyết để ứng dụng vào làm đọc hiểu và viết, nhất là phần nghị luận văn học.

Chẳng hạn, thơ cổ điển, văn tế, hài kịch,… không những gây khó khăn cho học sinh mà còn cả giáo viên. Trong đó, thơ cổ điển, văn tế hoàn toàn xa lạ với nhận thức và tâm lí lứa tuổi học sinh. Hài kịch, học sinh phải đọc văn bản khô khốc, các em không được xem kịch trên sân khấu nên gây nhàm chán.

Mặc dù học sinh đã được học những thể loại này nhưng đề thi tốt nghiệp lấy những văn bản ngoài sách giáo khoa, thực sự là một thách thức rất lớn cho học sinh. Chỉ những học sinh giỏi và có năng khiếu văn chương thực sự thì mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của đề thi.

Thứ hai, ví dụ, theo cấu trúc đề thi minh họa kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi có 3 phần, ngữ liệu có độ dài tối đa là 1300 chữ. Với thời gian 120 phút, không nhiều thí sinh có thể hoàn thành được bài thi vì các em phải mất 30 phút đọc đề, sau đó làm nháp, lập dàn ý, mới bắt tay vào làm chính thức.

Đáng chú ý, đề thi cho 2 ngữ liệu, chẳng hạn ngữ liệu 1 là văn bản thông tin, ngữ liệu 2 là văn bản văn học thì học sinh sẽ bị đứt mạch cảm xúc khi làm bài vì nội dung phần khác nhau. Hoặc cả ngữ liệu 1 và 2 đều cho văn bản văn học kèm một câu nghị luận xã hội như đề minh họa thực sự là rất nặng cho học sinh.

Thứ ba, nhiều học sinh không có khả năng làm phần viết (nghị luận văn học), chẳng hạn phân tích thơ hoặc so sánh hai nhân vật trong truyện ngắn vì các em không có năng khiếu văn chương.

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, không phù hợp với số đông học sinh. Cho nên, việc yêu cầu học sinh phân tích thơ là khiên cưỡng. Học sinh cũng không phải là nhà văn, nhà lí luận văn học để có thể "mổ xẻ" tác phẩm văn học một cách bài bản như các tác giả sách giáo khoa yêu cầu.

Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lấy ý kiến thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn về cấu trúc đề thi minh họa (đã công bố) để có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, tránh việc áp đặt, duy ý chí.

Giáo viên dạy Ngữ văn kiến nghị, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 nên có 2 phần: Đọc hiểu và Viết. Trong đó, phần đọc hiểu chiếm 5 điểm và phần viết chiếm 5 điểm. Đối với phần viết, học sinh được chọn 1 trong 2 câu nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học.

Với cấu trúc này, học sinh có lực học yếu, trung bình đều có thể làm bài trên 5 điểm, đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp. Tương tự, học sinh khá không khó để lấy mức 7 điểm (hoặc hơn) và học sinh giỏi mới có khả năng làm trên 8 điểm – nghĩa là mức độ phân hóa điểm rất cao.

Việc không dùng văn bản trong sách giáo khoa cho đề kiểm tra môn Ngữ văn góp phần triệt tiêu văn mẫu và giảm thiểu được lối học tủ, học vẹt, đạo văn, quay cóp...

Tuy vậy, muốn triệt tiêu văn mẫu, thiết nghĩ cơ quan quản lí giáo dục và các nhà trường phổ thông không dựa vào kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên.

Cùng với đó, giáo viên cần tạo thói quen cho học sinh đọc sách để bồi đắp thêm tình yêu văn chương cho các em, nâng cao khả năng viết lách, không cần phụ thuộc văn mẫu.

Những việc này cần được ngành giáo dục nghiên cứu thấu đáo và có lộ trình thực hiện hợp lí, bài bản. Dục tốc bất đạt, nếu làm không khéo, học sinh sẽ là những người bị thiệt thòi nhất.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-dung-ngu-lieu-trong-sach-giao-khoa-de-ra-de-kiem-tra-de-thi-ngu-van-con-do-nhung-noi-lo-179240804222710114.htm
Zalo