Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa ra đề văn: Tránh học tủ, học vẹt
Nhiều giáo viên dạy Văn cho rằng yêu cầu không dùng ngữ liệu sách giáo khoa ra đề Văn sẽ tránh được tình trạng học tủ, học vẹt.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ GD&ĐT có lưu ý một số vấn đề về kiểm tra môn Ngữ văn.
Phù hợp với chương trình mới
Theo đó, đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Ngoài ra, việc đánh giá phải phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Về chỉ đạo trên, nhiều giáo viên cho biết đây là vấn đề không mới.
Việc không dùng ngữ liệu sách giáo khoa ra đề Văn đã được các trường triển khai từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô TP, giáo viên Văn tại một Trường THCS ở quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề Văn đã được TP.HCM thực hiện trong nhiều năm qua. Đa phần các ngữ liệu được sử dụng trong đề kiểm tra giữa kỳ hay định kỳ đều được lấy ngoài sách giáo khoa.
“Kiểu ra đề mới này tránh được tình trạng học sinh học tủ, học theo văn mẫu. Học sinh chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức và nâng cao được kỹ năng trong việc xử lý cũng như phân tích các tác phẩm văn học” – cô giáo này nói.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, tỉnh Nghệ An cho hay từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đã bắt đầu thực hiện việc không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề Văn.
“Tại trường tôi, đề kiểm tra thường xuyên cho đến kiểm tra định kỳ đều dùng văn bản mới" – cô Hà nói.
Việc không dùng ngữ liệu sách giáo khoa ra đề Văn là chủ trương đúng đắn. Bản chất của việc học là học phương pháp, định hướng tiếp cận văn bản. Điều này đúng với đặc trưng tiếp nhận của văn chương, của đời sống văn học. Chỉ có điều vấn đề này đang được chú ý vì trước giờ nhiều người thường quen lối thụ động, học thuộc, học vẹt, chậm đổi mới.
“Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không dễ dàng. Một giáo viên bắt đầu dạy chương trình mới sẽ phải tiếp cận những văn bản mới trong chương trình. Bên cạnh đó, khi ra đề, họ phải tự mình tìm đọc các ngữ liệu ngoài văn bản một cách phù hợp. Thực tế, để chọn lựa văn bản cũng không đơn giản. Bởi có văn bản rất dễ hiểu nhưng cũng có những văn bản không phải ai đọc xong cũng có thể cảm thụ nhất là những văn bản của văn học đương đại" - cô Hà chia sẻ.
Tương tự, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương đánh giá vấn đề này không mới đã được thực hiện từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều này phù hợp với yêu cầu của chương trình, phù hợp với mục tiêu đặt ra của chương trình là dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Học sinh cần phải có kỹ năng tự xử lý các văn bản cùng thể loại với những văn bản đã được học trong chương trình. Cách ra đề mới sẽ giúp giảm hiện tượng học bài mẫu, học tủ, giảm bớt tiêu cực. Nó sẽ đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Thận trọng khi chọn ngữ liệu
Việc sử dụng ngữ liệu để ra đề Văn từ trước đến nay luôn nhận được sự chú ý của dư luận. Thực tế, thời gian qua, tại một số trường học, khi ra đề Văn đã chọn lựa ngữ liệu chưa phù hợp, gây xôn xao dư luận.
Về vấn đề này, cô Tâm nhìn nhận với việc không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề Văn đòi hỏi giáo viên khi ra đề cần sự đầu tư. Chỉ có như vậy, họ mới có thể chọn được các ngữ liệu phù hợp.
"Sự phù hợp thể hiện ở sự tương đương tiêu biểu cho thể loại, tương đương với mức độ yêu cầu của văn bản cùng thể loại trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, ngữ liệu phải có sự mới mẻ, hấp dẫn thú vị. Đặc biệt, giáo viên cần phải cẩn trọng và nghiêm túc khi chọn lựa các ngữ liệu để đảm bảo tính giáo dục" - cô Tâm nói
Tương tự, cô Hà đánh giá việc chọn ngữ liệu phù hợp với học sinh là cả vấn đề.
“Ra một đề Văn đảm bảo kiến thức về mặt học thuật, vừa sức với học sinh không phải điều dễ dàng. Do đó, với việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra kiểm tra là thách thức không ít giáo viên. Điều đó, buộc họ phải đầu tư về chuyên môn” - cô Hà nhấn mạnh.