Không 'đi để về', mà 'đi để phục vụ'
Vượt qua khó khăn bước đầu, cán bộ các xã vùng cao của TP Đà Nẵng thể hiện quyết tâm lớn với mục tiêu đem lại sự hài lòng cho người dân
Từ đường Hồ Chí Minh, sau hơn 2 giờ di chuyển trên những cung đường quanh co, dốc dựng đứng, chúng tôi mới đến được trung tâm hành chính xã Phước Thành - một trong những xã miền núi có điều kiện khó khăn nhất của TP Đà Nẵng. Sau các đợt sạt lở do mưa lũ kinh hoàng cuối năm 2020, đến thời điểm này, các tuyến đường vào trung tâm xã vẫn chưa được khắc phục xong, nhiều đoạn thi công dang dở khiến việc lưu thông hết sức vất vả.
Năng lực và tâm huyết
Xã Phước Thành được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Phước Kim, Phước Lộc và Phước Thành cũ. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát sinh sau khi sáp nhập nên các đơn vị hành chính của xã Phước Thành phải đặt ở 2 nơi. Theo báo cáo của UBND xã, số lượng phòng làm việc tại 2 trụ sở còn thiếu thốn, hệ thống nước sinh hoạt xuống cấp, hư hỏng. Cả 2 trụ sở đều chưa có nhà công vụ, chưa có bếp ăn tập thể và còn khó khăn nhiều về điều kiện ăn ở cho cán bộ, công chức. Ngoài ra, hệ thống điện chưa ổn định, thường xuyên mất điện khi mưa gió.
Chị Hồ Thị Thu Mỹ, chuyên viên Văn phòng UBND xã Phước Thành, cho biết xã mới chưa có nhà công vụ, căn phòng nhỏ được ngăn cách từ phòng họp là nơi ở của chị và 4 nữ cán bộ xã Phước Thành. Dù khó khăn là thế nhưng chị Mỹ nói bao năm nay bám núi, bám làng quen rồi. Điều chị mong mỏi là được phục vụ tốt cho dân, làm sao để đời sống của người dân nơi đây ngày một tốt lên.

Chị Hồ Thị Thu Mỹ, chuyên viên Văn phòng UBND xã Phước Thành, cùng 4 nữ cán bộ xã được bố trí ở tạm trong căn phòng được ngăn cách từ phòng họp của xã
Ông Đỗ Hoài Xoan, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của xã còn thiếu về số lượng và chuyên môn. Hiện nay, xã mới bố trí được 44 biên chế, còn thiếu từ 11 - 15 người. Theo ông, tuy có khó khăn nhưng sau 2 tuần chính thức đi vào hoạt động, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã mang đến những tín hiệu khởi sắc rõ rệt, tạo sự phấn khởi cho cả cán bộ và người dân. Ông Xoan cho rằng những cá nhân còn lại trong bộ máy hiện tại là những người thực sự có năng lực và tâm huyết. Điều này đã tạo nên một luồng sinh khí mới, thúc đẩy hiệu quả công việc và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
So với trước đây, các thủ tục hồ sơ đã được tinh gọn đáng kể, đặc biệt là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi mà còn tạo sự minh bạch, thuận tiện cho người dân khi giao dịch hành chính. Đặc biệt, tư tưởng của đội ngũ cán bộ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước đây, cán bộ vào công tác tại các xã vùng cao thường có tâm lý "đi để về" thì giờ đây họ mang trong mình tâm thế "đi để phục vụ".
"Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cũng là một điểm nổi bật. Nhiều vấn đề nay đã được quyết định trực tiếp tại cấp xã, giúp giải quyết các yêu cầu của người dân một cách ngay lập tức và sát sườn hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ cũng rất đáng ghi nhận. Hình ảnh cán bộ cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh không chỉ thể hiện sự gắn kết mà còn là minh chứng cho một tập thể sẵn sàng vượt qua thách thức vì mục tiêu chung" - ông Xoan nhìn nhận.
Sẽ đưa cán bộ đồng bằng lên núi
Ông Châu Ngọc Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Bến Giằng (xã có diện tích 535,96 km2 - lớn nhất TP Đà Nẵng), cho biết những ngày đầu sáp nhập, trụ sở làm việc phải bố trí tại 3 nơi khác nhau ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phối hợp và điều hành. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chính quyền số còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Địa bàn quản lý rộng lớn, trải dài hàng chục cây số cũng là một thử thách lớn. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn đó, tập thể lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Bến Giằng đã thể hiện tinh thần làm việc rất hăng say. Mỗi cán bộ, công chức đều xác định rõ trách nhiệm của mình là phải gần dân, sát dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của người dân. "Chúng tôi hiểu rằng sự hài lòng của người dân chính là thước đo cao nhất cho hiệu quả hoạt động của chính quyền. Xã sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thiểu thủ tục hành chính, mang đến sự thuận tiện tối đa cho bà con" - ông Vĩnh cam kết.
Ông Nguyễn Công Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, cho biết trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu đóng vai trò then chốt để vượt qua mọi khó khăn. Thực tế cho thấy việc thay đổi mô hình tổ chức, tinh gọn bộ máy luôn đi kèm với những thách thức. "Là người đứng đầu, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xác định trách nhiệm không chỉ là người định hướng, mà còn là người trực tiếp dẫn dắt, truyền cảm hứng và tạo động lực cho toàn bộ hệ thống" - ông Bình chia sẻ.
Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn đang được vận hành ngày càng ổn định, nhận được sự phản hồi tích cực từ người dân. Hiện nay, một số xã vùng cao của TP Đà Nẵng còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng, thiếu cán bộ chuyên môn. UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Nội vụ tham mưu điều động, khuyến khích cán bộ trẻ từ đồng bằng lên miền núi. TP Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho cán bộ công tác xa nhà, nhất là các địa phương vùng núi cao, điều kiện khó khăn.

Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiểm tra hoạt động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bến Giằng
Đề xuất chi mỗi xã 500 triệu nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, cho biết đa số các xã, phường của thành phố có hạ tầng mạng chưa bảo đảm; đường truyền internet của một số xã vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều địa phương thiếu máy móc, hệ thống mạng thiếu an toàn... Vì vậy, sở đề xuất UBND thành phố cấp cho mỗi xã 300 triệu đồng để nâng cấp hệ thống mạng LAN; 200 triệu đồng để mua sắm bổ sung máy móc.
