Không để xảy ra thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm sau Tết

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp 'giữ chân' người lao động sau Tết như chế độ lương, thưởng, tổ chức đưa-đón.

Chiều 5/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.

Trả lời báo chí về giải pháp để giữ chân người lao động đảm bảo hoạt động các nhà máy khu công nghiệp sau Tết, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, từ trước Tết, Bộ đã dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương nắm chắc, dự báo chắc diễn biến về người lao động, thị trường lao động tại các nhà máy, xí nghiệp tại địa phương của mình. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường.

Đầu tiên, các địa phương thực hiện tốt đề án về phát triển thị trường lao động theo Quyết định số 176/QĐ-TTg năm 2021 góp phần tăng cường công tác thông tin về thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu lao động, điều hòa thị trường lao động, góp phần ổn định thị trường lao động trước, trong và sau Tết.

Thứ hai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đôn đốc các địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách về tiền lương, thưởng đối với người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ ba, hướng dẫn, đôn đốc và đề nghị các nhà máy, xí nghiệp thực hiện tốt việc đưa đón người lao động. Nhiều nhà máy tổ chức các chuyến xe đưa đón người lao động về các trung tâm lớn ở các tỉnh, đưa người lao động về trước Tết và đón người lao động sau Tết. Đây là chính sách rất tốt mà các doanh nghiệp đã làm. Đồng thời các doanh nghiệp cũng công bố việc lì xì, thưởng khi người lao động quay trở lại nhà máy sau Tết. Có những nơi có đơn hàng gấp, họ có chính sách lì xì 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Thứ tư, công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định thị trường. Tính đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, nhiều địa phương đạt 97-98%, có nơi đến 100%.

Các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách tiền lương, bình quân tiền lương của người lao động năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023 và mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (6,85 triệu đồng/người). Các công ty, doanh nghiệp cũng có chính sách "giữ chân" người lao động rất đa dạng, phong phú, thậm chí nhiều nơi nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết; thực hiện tốt chính sách thưởng, lương tháng thứ 13.

Nhiều địa phương, sau Tết triển khai nhiều chương trình về giao dịch việc làm nhằm tăng cường kết nối trực tuyến giữa các địa phương và thị trường lao động.

Đây là các giải pháp cơ bản để bảo đảm đồng bộ, góp phần giữ vững, ổn định thị trường lao động, không để xảy ra thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm sau Tết Ất Tỵ 2025.

Duy Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khong-de-xay-ra-thieu-lao-dong-tai-cac-vung-kinh-te-trong-diem-sau-tet-467956.html
Zalo