Không để xảy ra 'chạy chọt' khi sắp xếp đơn vị hành chính
Đó là một trong những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra ngày 25-3 vừa qua. Người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh: Cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng 'chạy chọt', 'lợi ích nhóm', tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính…
Không phải đến bây giờ và cũng không riêng Việt Nam mà mọi thời, mọi quốc gia, nạn chạy chọt, lợi ích nhóm đều diễn ra, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm loại bỏ tệ nạn này, như Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Theo nghị định này, quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ phải được tiến hành theo 5 bước chặt chẽ và các hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Hay Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức... Đặc biệt, ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Khoản 5 Điều 6 của quy định này nêu rõ: “Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan”. Như vậy, theo chỉ đạo của Trung ương, những công việc liên quan đến công tác cán bộ phải được thực hiện bài bản, đúng quy trình để chọn được những người tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá, giới thiệu cán bộ. Có trường hợp đánh giá không trung thực, dẫn đến bố trí, đề bạt, bổ nhiệm sai. Nạn chạy chức quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển là nguyên nhân cơ bản khiến tham nhũng trở thành quốc nạn, vì bản chất việc chạy chức, chạy quyền chính là một loại tham nhũng dưới hình thức hối lộ, tham nhũng quyền lực. Những kẻ cơ hội có ý đồ “chạy chọt” thường không chú trọng rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực mà chỉ lo đầu tư quan hệ, tìm cách lấy lòng những vị quan chức có khả năng lợi dụng. Cũng có không ít cán bộ có chức quyền cố ý chỉ đạo cấp dưới hoặc bắt tay nhau đưa người nhà, cánh hẩu vào bộ máy, dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan. Ở nhiều nơi, việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ dẫu “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Có nơi vì giao việc không đúng người mà xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong quản lý tài chính công. Và khi bộ máy lãnh đạo bị những kẻ cơ hội thao túng, hình thành các nhóm lợi ích, không chỉ triệt tiêu sự phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên mà còn khiến những người có trí tuệ, có năng lực không toàn tâm, toàn ý với công việc.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang khẩn trương thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta càng trở nên bức thiết. Bởi công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, quyết định sự sống còn của Đảng ta, vận mệnh của chế độ và sự phát triển vững mạnh của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.