Không để trẻ quá tải vì học

Năm học 2024-2025 mới bắt đầu cách đây hơn một tháng song một bộ phận học sinh TP Bắc Giang đã lao vào guồng quay học thêm. Qua nắm bắt, phần lớn các gia đình có con đang học phổ thông đều đầu tư cho con học thêm từ 1-3 môn/tuần (mỗi môn học từ 1-2 buổi). Học ở trường đã vất vả, vào ngày nghỉ, học sinh hầu như không có thời gian nghỉ ngơi bởi lịch học thêm dày đặc.

Nhiều học sinh tiểu học sau khi học cả ngày ở trường lại học các câu lạc bộ do trường tổ chức dưới hình thức tự nguyện; buổi tối phụ huynh đưa con đến các trung tâm hay nhà của giáo viên để kèm cặp. Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông mới có sự đổi mới theo hướng giảm tải nội dung chương trình song thực tế, việc học thêm không những không giảm mà ngày càng tăng.

Một số bậc phụ huynh ở cùng khu phố với tôi chia sẻ, họ cho con đi học thêm nhiều là vì lo việc tiếp thu kiến thức ở trên lớp khó khăn, điểm số sẽ thấp hơn so với các bạn, áp lực thi vào lớp 10… Một số gia đình có điều kiện còn thuê gia sư dạy riêng hoặc buổi tối đưa con xuống Bắc Ninh, Hà Nội học thêm, chi phí 6-8 triệu đồng/tháng.

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc học thêm. Học thêm giúp học sinh được cung cấp thêm kiến thức, củng cố bài học, rèn luyện các kỹ năng học tập. Với những em học yếu, việc học thêm ở trường sẽ bổ trợ kiến thức mà trên lớp thầy cô không có thời gian giảng giải. Học sinh cuối cấp cũng cần củng cố, nâng cao kiến thức để bước vào các kỳ thi mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu học quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của con trẻ, nhất là học sinh tiểu học và đầu cấp THCS.

Thực tế, trẻ em được học tập, vui chơi hợp lý sẽ giúp phát triển trí thông minh, làm phong phú đời sống tinh thần, trẻ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nếu chỉ tập trung học, không có thời gian nghỉ ngơi, hòa mình trong các mối quan hệ ngoài trường lớp, không tham gia các hoạt động thể chất sẽ khiến các em sống khép mình, kém năng động, dễ bị stress, nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần cao.

Một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc học chữ sẽ tỷ lệ thuận với sự khó khăn trong các kỹ năng xã hội. Điều đó có nghĩa là trẻ được dạy chữ nhiều hơn “rèn người” thì quá trình hình thành, phát triển nhân cách có thể trở nên lệch chuẩn.

Vẫn biết rằng, áp lực giúp mỗi người có động lực để phát triển nhưng nếu áp lực quá sức chịu đựng, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và chỉ để đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ tất yếu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.

Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần cân đối thời gian giữa học và vui chơi của con em mình, tránh để các em rơi vào tình trạng quá tải từ việc học, ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, kỹ năng sống. Mặt khác, ngành giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm; tiếp tục đổi mới cách đánh giá học sinh, không chạy theo thành tích để tạo những áp lực không đáng có.

Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khong-de-tre-qua-tai-vi-hoc-074041.bbg
Zalo