Không để trẻ chơi game quá nhiều

Nghị định mới của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng internet và thông tin trên mạng sẽ không để trẻ em chơi game quá nhiều.

Nhiều học sinh đến chơi game tại các quán. Ảnh chụp ngày 20/11

Nhiều học sinh đến chơi game tại các quán. Ảnh chụp ngày 20/11

Bạn tôi có con đang học lớp 10. Ngoài lúc đi học, cháu dành khá nhiều thời gian chơi game, có khi đến 4-5 tiếng/ngày, bất kể vào lúc nào. Không chỉ chơi trên điện thoại, cháu còn trốn bố mẹ chơi ở các quán internet. Việc này đã ảnh hưởng ngay đến kết quả học tập của cháu và mắt cháu ngày càng cận nặng. Cháu còn hay kêu đau vai gáy. Mẹ cháu đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không kiểm soát được việc chơi game của cháu.

Tình trạng con chơi game quá nhiều mà cha mẹ không quản lý được diễn ra ở nhiều gia đình khác. Điều kiện kinh tế khá giả, để phục vụ việc liên lạc cũng như học tập, nhiều gia đình đã cho con sử dụng điện thoại di động khá sớm. Các cháu còn nhỏ, chưa ý thức được hậu quả của việc chơi game nhiều, một số cha mẹ bận, chưa sâu sát trong quản lý con cái, quán internet “mọc” lên khá nhiều... đều là những cản trở trong việc kiểm soát các em chơi game.

Hậu quả của việc chơi game nhiều đã rõ. Các bác sĩ đã chỉ ra chơi game dẫn đến hội chứng đau tê các ngón tay, giảm phạm vi chuyển động cổ tay khiến tay bị đau, đau cổ, vai gáy, người chơi luôn cảm thấy mỏi mệt, mất năng lượng, chán nản, bi quan, dễ cáu gắt… Chơi game còn lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng đến việc học tập, tham gia sinh hoạt cộng đồng, ngại giao tiếp. Đã có không ít trường hợp phải vào bệnh viện điều trị bệnh vì chơi game quá nhiều.

Chơi game không xấu nhưng chơi quá nhiều lại gây ra những hậu quả khôn lường. Chính vì thế, để quản lý việc cung cấp dịch vụ và người chơi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12 tới.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp game phải có thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi và quản lý cụ thể từng người chơi (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam) với tất cả các trò chơi khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành.

Đặc biệt, người dưới 18 tuổi không được chơi quá 60 phút đối với từng trò chơi và không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi. Người chơi game phải có tài khoản xác thực bằng số điện thoại di động, trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát, quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; thực hiện xóa thông tin của người chơi sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định.

Nhà để xe tại một quán game ở TP Hải Dương

Nhà để xe tại một quán game ở TP Hải Dương

Tôi thấy nhiều người ủng hộ nghị định này. Quy định này không cấm hoàn toàn việc chơi game, người chơi vẫn có thời gian được giải trí, thư giãn với trò chơi yêu thích nhưng trong khuôn khổ quy định và không ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian dành cho việc khác, bảo đảm được sức khỏe thể chất và tinh thần. Với người chưa ý thức được hậu quả của chơi game quá nhiều thì đây là quy định cần thiết để lập một “bức tường” an toàn, nhất là đối với trẻ em, học sinh.

Việt Nam nằm trong nhóm 5 về phát hành game trên thế giới. Năm 2023, Việt Nam có 54,6 triệu người chơi game và doanh thu đạt 507 triệu USD. Có thể nói, ngành công nghiệp game ở Việt Nam rất phát triển, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, sức khỏe, tinh thần của người chơi game mới là điều quan trọng.

Mong nghị định mới được triển khai thực hiện nghiêm túc để giảm thiểu tình trạng “nghiện” game, nhất là trong giới trẻ, tránh được những hậu quả do chơi game mang lại.

HÀ NGÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khong-de-tre-choi-game-qua-nhieu-398568.html
Zalo