Không dễ thu tiền từ tín chỉ carbon
Các HTX nói riêng, Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng về tín chỉ carbon. Nhưng đi đôi với đó, cần có cái nhìn thông suốt, đúng đắn để có những hành động cụ thể, phù hợp thì mới có thể thu được lợi từ lĩnh vực này, càng không có chuyện 'ngồi mát ăn bát vàng'.
Hiện nay có nhiều thành viên HTX đang phân vân trước các thông tin “kiếm tiền tỷ từ tín chỉ carbon”, “ngồi im cũng có thể nhận được hàng trăm tỷ đồng từ tín chỉ carbon”… trong khi để trả lời câu hỏi vì sao có thể thu được tiền từ tín chỉ carbon thì nhiều thành viên HTX vẫn còn rất mơ hồ.
Phải đáp ứng được tính “bổ sung”
Tìm hiểu về quy trình quang hợp có thể thấy, cây xanh có khả năng hấp thụ carbon, hay nói cách khác là cây xanh có khả năng hấp thụ lượng lớn các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (làm trái đất nóng lên, tăng nhiệt độ) như khí CO2, CH4… qua quá trình quang hợp.
Tại Việt Nam, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương (Điều 3, Khoản 35, Luật Bảo vệ môi trường 2020).
Đặc biệt, để tạo ra tín chỉ carbon thì cần có tính “bổ sung”. Tính bổ sung là lượng giảm phát thải khí nhà kính hoặc lượng tăng hấp thụ carbon so với mức phát thải cơ sở.
Điều này, được TS Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho rằng không phải cây rừng hấp thụ và lưu giữ được bao nhiêu carbon thì có thể quy đổi ra hết tín chỉ carbon và người dân, HTX có thể bán để lấy tiền.
Điều này có nghĩa là HTX phải áp dụng cơ chế “bổ sung”, tức là thực hiện biện pháp can thiệp để tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Cụ thể hơn là HTX phải có các hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực để làm giảm phát thải, giảm hiệu ứng khí nhà kính. Chứ không phải rừng tự nhiên hấp thụ được bao nhiêu khí nhà kính thì có thể quy đổi hết ra tín chỉ carbon.
Cụ thể như HTX có dự án hỗ trợ người dân không đốt thực bì, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng ven biển, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, phát triển rừng trồng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững… sẽ tạo ra trữ lượng carbon tăng thêm. Đây là cơ sở để HTX quy đổi ra tín chỉ carbon và thực hiện các giao dịch trên thị trường.
“Nếu HTX không tác động thêm vào, cây tự nhiên vẫn có khả năng hấp thụ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ trước đó. Nhưng khi chúng ta tác động vào, làm tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính lên thì phần tăng thêm đó chính là phần bổ sung và được tính là tín chỉ carbon”, TS Nguyễn Hoàng Tiệp cho biết.
Hoàn thiện pháp lý
Thực tế ở Việt Nam, các HTX có rất nhiều tiềm năng để có thể thực hiện tín chỉ carbon. Hiện tại, rừng tự nhiên không giao cho tư nhân quản lý mà do Nhà nước quản lý và là tài sản công. Chính vì lẽ đó, những hoạt động của mô hình này cũng dựa trên Luật Tài sản công. Tức là carbon sinh ra trên rừng tự nhiên được quản lý bởi Nhà nước. Dù rừng này có giao khoán cho địa phương, cho ban quản lý rừng, HTX thì vẫn thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Trong khi, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Nhà nước hiện ủy quyền cho cơ quan quản lý đầu ngành (bộ NN&PTNT) bán tín chỉ carbon từ rừng tự nhiên. Còn tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh là người có quyền quyết định tín chỉ carbon trong rừng tự nhiên nhưng vẫn phải thông qua hội đồng nhân dân tỉnh.
Như vậy, việc quản lý tín chỉ carbon ở rừng tự nhiên là rất chặt chẽ. Nhưng có một điều là hiện nay, các địa phương, các bộ ngành phải đợi các quy định của Chính phủ trong việc sửa đổi bổ sung một số quy định về tín chỉ carbon để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Ngay như việc để làm gia tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì buộc các HTX phải thực hiện các hoạt động như phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, quản lý rừng bền vững, phát triển rừng gỗ… thông qua các dự án cụ thể.
Nhưng để có tín chỉ carbon giao dịch trên thị trường, kết quả hấp thụ khí nhà kính phải được thẩm định, đo đạc, lập các báo cáo. Đi liền với đó, các HTX cần có nguồn lực tài chính lớn. Trong khi, thị trường carbon lâm nghiệp có nhiều biến động về giá cả, nếu dự án mà HTX thực hiện có quy mô nhỏ, có khả năng nguồn thu từ bán tín chỉ carbon khó bù đắp được các chi phí cho các hoạt động.
Giám đốc HTX lâm nghiệp ở Tuyên Quang cho biết hiện riêng gia đình ông có 70ha đang phát triển theo mô hình rừng bền vững nhưng mới có 10ha được chứng nhận, còn 60ha chưa được chứng nhận vì đất lâm nghiệp không được cấp sổ đỏ. Trong khi diện tích này không hề bị tranh chấp và đã thực hiện được 3 lứa keo, tương đương với 30 năm.
Do đó, khâu thủ tục hành chính cần được tháo gỡ để HTX có sổ đỏ trên đất lâm nghiệp. Bởi chỉ có sổ đỏ, HTX mới được cấp chứng nhận sản xuất rừng bền vững và tham gia tạo ra tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, vị giám đốc HTX này cũng kiến nghị, ngành ngân hàng cần có cơ chế cho HTX sản xuất rừng bền vững vay vốn dài hạn. Nếu chỉ vay với thời hạn 5 năm thì thành viên sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn là chặt cây non bán lấy tiền trả ngân hàng.
Ông Trần Bá Kiên, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp có rừng Thủy Phương (Thừa Thiên Huế), cho biết tiêu chí trồng rừng bền vững hiện rất khắt khe trong khi, điều kiện tự nhiên ở địa phương khắc nghiệt, hay bị thiên tai, lũ lụt, cháy rừng. Nên nếu không có chính sách hỗ trợ dài hạn, nhất là chính sách hỗ trợ về duy trì chứng nhận rừng bền vững, các HTX khó tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Rõ ràng, làm gia tăng khả năng lưu giữ carbon của rừng, tiến tới thương mại hóa tín chỉ carbon sẽ tạo ra nguồn lực tài chính lớn cho các hoạt động lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng. Nhưng đi liền với đó, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định liên quan, trong đó có các quy định, chính sách hỗ trợ nông dân, HTX nâng cao khả năng hấp thụ khí nhà kính từ rừng. Bởi sản xuất rừng và tạo ra tín chỉ carbon từ ngành nông, lâm nghiệp là không hề dễ. Bởi quá trình này cần trải qua nhiều năm ròng đi liền với sự đầu tư không nhỏ về nhân lực, tài chính…