Không để thất thoát tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn Sóc Trăng

Để bảo đảm việc khai thác cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại đồng bằng sông Cửu Long sớm về đích theo lộ trình, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ban, ngành, địa phương trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà thầu thi công, khai thác khoáng sản (cát) đúng quy định.

Quá trình khai thác khoáng sản phải hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ khoáng sản được cấp phép. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo lực lượng Công an, Biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật, quyết tâm không để thất thoát tài nguyên, khoáng sản.

Tổ liên ngành tỉnh Sóc Trăng kiểm tra các đơn vị thi công khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh.

Tổ liên ngành tỉnh Sóc Trăng kiểm tra các đơn vị thi công khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ khó khăn về việc thiếu hụt cát đắp nền cho các công trình trọng điểm quốc gia trong khu vực, tỉnh Sóc Trăng đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 16/6/2021, trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các mỏ cát nằm trong quy hoạch khai thác của tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông báo rộng rãi đến các tỉnh, thành trong khu vực hướng dẫn nhà thầu thi công thực hiện lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để xem xét cấp phép khai thác.

Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có 8 đơn vị đăng ký được cấp phép trên 10 mỏ (mỏ cát biển khu B.1 gồm: B1.1, B1.2, B1.3) với diện tích trên 600ha, tổng sản lượng các mỏ trên 22 triệu m3. Từ khi khởi công (ngày 29/6/2024) đến nay đã khai thác đưa cát về công trình trên 136.853m3, cơ bản giải quyết phần nào khó khăn nguồn cát san lấp thời gian qua.

Tuy nhiên, để bảo đảm khai thác cát, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ được cấp phép, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân đối với việc thực hiện chủ trương của Nhà nước. Đồng thời chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép cho các đơn vị thi công khai thác, với quan điểm phát triển bền vững, không vì phát triển ở vùng này mà làm ảnh hưởng đến tính ổn định và sự phát triển của vùng khác.

Tỉnh thành lập Tổ cơ động kiểm tra giám sát 24/24 tại khu vực biển Sóc Trăng do Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm trách; Tổ tăng cường tuần tra kiểm soát các tuyến sông, đường thủy nội địa do Công an tỉnh tổ chức thực hiện. Các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản; vi phạm pháp luật giao thông đường thủy khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy; giám sát việc tổ chức quản lý, điều hành khai thác, phân phối của nhà thầu, đơn vị khai thác. Đối với nhà thầu, đơn vị thi công khai thác tùy theo mức độ vi phạm có thể xem xét đình chỉ khai thác hoặc rút giấy phép do pháp luật quy định…

V.Đức – H.Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/khong-de-that-thoat-tai-nguyen-khoang-san-tren-dia-ban-soc-trang-i744135/
Zalo