Không để tàu cá '3 không' tham gia đánh bắt thủy sản trên biển
Tại hội nghị sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương đề nghị không để những tàu cá không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm tham gia đánh bắt thủy sản trên biển.
Không để tàu cá “3 không” là những tàu cá không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm tham gia đánh bắt thủy sản trên biển.
Đây là đề nghị của Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” giữa Ban Thường vụ Cảnh sát biển Việt Nam với Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố ven biển giai đoạn 2019-2024 do Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23/8 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” do Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố ven biển ký kết, triển khai thực hiện từ năm 2019 đến nay là một trong những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự tại các tỉnh thành ven biển và trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
“Chương trình là một điểm sáng về công tác dân vận của toàn quân; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí đánh giá cao, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững chắc,” Thượng tướng Võ Minh Lương biểu dương.
Ghi nhận những kết quả thiết thực sau 5 năm triển khai thực hiện, Thượng tướng Võ Minh Lương cũng chỉ rõ trong quá trình phối hợp tổ chức các hoạt động Chương trình giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam với Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy ven biển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và đề nghị tìm ra nguyên nhân để khắc phục, phát huy tốt hơn nữa chương trình ý nghĩa này trong thời gian tới.
Cũng vì thế, để Chương trình ngày càng chất lượng, hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa Quân đội với nhân dân, đưa đường lối, chủ trương của Đảng thực sự đi vào đời sống; tăng cường đoàn kết máu thịt với nhân dân; góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới..."
Cũng theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển và Ban Thường vụ các tỉnh, thành ven biển cần nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, cách nghĩ, cách làm để chương trình thật sự hiệu quả thiết thực, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi địa phương.
Riêng với các địa phương ven biển, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ở đây chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong tham gia các hoạt động kinh tế trên biển, không khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, tích cực bảo vệ môi trường biển.
“Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tàu cá ngay từ khi xuất bến; không để tàu cá “3 không” tham gia đánh bắt thủy sản trên biển,” Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.
Thông tin tại hội nghị cho thấy chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” giữa Ban Thường vụ Cảnh sát biển Việt Nam với Ban Thường vụ các tỉnh, thành ven biển giai đoạn 2019-2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tham gia xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh; giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Giai đoạn 5 năm qua, các đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân vận 28 Tỉnh-Thành ủy ven biển tổ chức 262 buổi tuyên truyền cho hơn trên 171.734 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngư dân, học sinh; tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương cho 10.415 phương tiện với 72.688 ngư dân; kết hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với tuyên truyền; thông qua cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương.”
Thông qua các hoạt động trên, giúp cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển thêm gắn bó mật thiết, tăng cường sâu sắc mối quan hệ đoàn kết giữa Cảnh sát biển Việt Nam với chính quyền, nhân dân các địa phương ven biển; giúp nhân dân, ngư dân có kiến thức pháp luật, thực hiện khai thác, đánh bắt thủy sản, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho Cảnh sát biển Việt Nam về các hành vi vi phạm pháp luật, tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đáng chú ý, Chương trình qua thực tiễn triển khai đã trở thành điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với phương châm mỗi con tàu ra khơi là một “cột mốc chủ quyền,” mỗi ngư dân là một chiến sỹ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp với các địa phương tổ chức tám đợt tập huấn với 1.150 lượt ngư dân, hướng dẫn cho chủ các phương tiện tàu cá, ngư dân có đầy đủ kiến thức cơ bản về an toàn hàng hải; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trên biển; cách xử lý, ứng phó với sự cố trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên duy trì từ 15-20 tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc; duy trì trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ, xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim; trong điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn phức tạp, ở vùng biển xa, các lực lượng và phương tiện luôn ứng trực kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trước các tình huống nguy hiểm, sự cố, tai nạn trên biển, cung cấp lương thực, dầu, nước, cấp cứu ngư dân, lai dắt tàu về cảng an toàn.
Trong 5 năm qua, Cảnh sát biển đã điều động 80 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ, đã tìm kiếm, cứu nạn thành công 63 phương tiện tàu thuyền với 1.082 người.
Sự hiện diện của Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân các địa phương yên tâm, vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển; là lực lượng quan trọng trong phát hiện, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.