Không để sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Thủ tướng đề nghị các địa phương siết chặt tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần 6 rõ.
Mới đây, Chính phủ đã có Công điện về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp GDPT năm 2025.
Công điện nêu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đặc biệt hơn các năm trước: Là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt THPT và tuyển sinh đầu cấp GDPT theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới; được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp và thay đổi trong sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.
Năm nay cũng có số lượng thí sinh nhiều hơn; tổ chức cho cả học sinh học theo Chương trình GDPT năm 2018 và học sinh học theo Chương trình GDPT 2006. Trong khi đó, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thông suốt, khách quan, bảo đảm độ tin cậy, tạo sự đồng thuận cao của xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37.

Năm nay có khoảng hơn 1,1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hữu Thắng).
Đề cao trách nhiệm, sâu sát trong chỉ đạo, cụ thể kỹ lưỡng trong tổ chức, thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, các gia đình và các cơ sở giáo dục.
Thủ tướng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn.
Ban hành kế hoạch thực hiện tại địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả" gắn với lộ trình cả nước thực hiện chủ trương về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.
Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan trên địa bàn tham gia phối hợp hiệu quả với ngành giáo dục chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường.
Không để xảy ra bất kỳ khâu nào của kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm.

Sẽ có 2 nhóm đối tượng thí sinh học chương trình cũ và mới tham dự kỳ thi năm nay (Ảnh: Hữu Thắng).
Về phía Bộ GD&ĐT cần rà soát các văn bản chỉ đạo, hoạt động tổ chức kỳ thi để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các địa phương, các cơ sở giáo dục bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả đối với tất cả các khâu, các công việc trong suốt quá trình tổ chức.
Theo dõi sát, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương các vấn đề phát sinh trong Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp.
Rà soát kỹ các khâu, các bước, các công việc, nội dung trong công tác đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm tuyệt đối chính xác, an toàn, có độ phân hóa phù hợp.
Bộ Công an xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi bảo đảm an ninh, an toàn, nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương; tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi.