Không để nông dân đứng riêng lẻ 'một mình một chợ'

Với tốc độ phát triển và liên kết hợp tác tiêu thụ hiện nay, nông dân không thể đứng riêng lẻ một mình một chợ nếu muốn con đường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng lâu dài và rộng mở.

Mô hình trồng rau thủy canh rộng 2.000m2 ứng dụng khoa học công nghệ của anh Nguyễn Tất Nhu (ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp khoảng 1 tấn rau cho các siêu thị trên địa bàn thành phố. Ảnh tư liệu: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Mô hình trồng rau thủy canh rộng 2.000m2 ứng dụng khoa học công nghệ của anh Nguyễn Tất Nhu (ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp khoảng 1 tấn rau cho các siêu thị trên địa bàn thành phố. Ảnh tư liệu: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Trải qua nhiều giai đoạn đổi mới, hợp tác xã, kinh tế tập thể và mối liên kết tương quan với doanh nghiệp luôn là hướng đi bền vững của nông dân.

Hiện nay, nông dân Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề lớn của sản xuất là đầu vào sản xuất và đầu ra tiêu thụ. Không phải nông dân nào cũng tham gia hợp tác xã và thuận lợi trong hai vấn đề lớn này. Do đó, chính những nông dân quyết định tham gia vào hệ thống kinh tế tập thể hay không sẽ quyết định vị trí và vai trò của mình trong hệ thống thị trường.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Nếu nông dân tham gia vào hợp tác xã hoặc một tổ chức kinh tế tập thể, nông dân sẽ nhận được vật tư đầu vào với giá sỉ, đầu ra sản phẩm lại có nơi bao tiêu, không sợ bị ép giá. Khi sản xuất được tư vấn của giới chuyên gia, nhà khoa học mà sản xuất một mình sẽ không thể làm.

Bởi những điều thuận lợi này, nông dân phải thay đổi. Nếu nông dân không thay đổi thì không có cơ hội phát triển. Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và thiết bị điện tử, nông dân phải tự tri thức hóa chính mình mới có nhiều cơ hội hòa nhập cùng cộng đồng. Sự phát triển của thị trường không chờ đợi ai. Vì vậy, nếu mỗi nông dân hòa nhập vào kinh tế tập thể sẽ giảm đi sự mong manh trong hoạt động sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp thoát khỏi rào cản, hạn chế của sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, một mình một chợ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có hiện cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 67% tổng số hợp tác xã của cả nước, với 38 triệu thành viên nông dân, chiếm 63% tổng số thành viên các hợp tác xã. Điều này cho thấy, vẫn còn rất nhiều nông dân chưa tham gia vào hợp tác xã để có được sự thuận lợi trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Trần Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mỹ Phong, Tiền Giang, hợp tác xã có 30 ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khi khách hàng cần nguồn hàng cao hơn sản lượng hiện có, Mỹ Phong phải liên kết với các hộ sản xuất ngoài hợp tác xã để đủ nguồn hàng cho khách hàng. Trong quá trình liên kết này, hợp tác xã sẽ hướng dẫn nông dân bên ngoài các kĩ thuật sản xuất và chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn của khách hàng mới có thể bao tiêu.

Bản thân bà Trần Thanh Phong cũng là một hộ thành viên trong hợp tác xã nên hiểu rõ được lợi thế khi tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể. Với tổ chức kinh tế tập thể, nông dân được học hỏi nhiều hơn, nguồn thông tin phục vụ sản xuất và tiêu thụ đa dạng hơn so với chỉ làm một mình và tự mò mẫm giữa các tiêu chuẩn thị trường biến động liên tục.

Ngành nông nghiệp nói riêng và toàn hệ thống kinh tế nói chung hiện nay đang theo xu hướng phát triển xanh. Với ngành nông nghiệp, xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và cả người sản xuất, môi trường sản xuất lại càng là xu hướng tất yếu mà nhiều quốc gia hướng đến.

Chính điều này bắt buộc mỗi nông dân phải tự thay đổi, dù sự thay đổi khác nhau nhưng cũng cùng hướng đến sản xuất và tiêu thụ xanh. Hiện nay, hình thành một nền nông nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam là xu thế bắt buộc.

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm khuyến nông quốc gia cũng đã triển khai nhiều dự án nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch cho nông dân ở nhiều địa phương để lan tỏa tinh thần chuyển đổi sản xuất xanh.

Để làm được điều này, nông dân cần rất nhiều trợ lực để chuyển đổi như xác định được các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất sạch theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa, nghành nông nghiệp các địa phương ưu tiên phê duyệt các dự án khuyến nông điểm về sản xuất hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dược liệu…, nhất là mô hình sản xuất sạch theo chuỗi liên kết.

Nông dân mong muốn các sở nông nghiệp các địa phương tiếp tục ban hành các quy trình sản xuất sạch, định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất sạch cho các đối tượng sản phẩm sản xuất chính, phục vụ nhu cầu thực tế sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện và kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình.

Là đơn vị sẵn sàng chuyển mình vì nền nông nghiệp xanh và sạch, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã tiên phong vận động nông dân tham gia vào quy trình sản xuất sạch cùng doanh nghiệp trong hệ thống liên kết. Đánh giá về nhận thức chuyển đổi nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ của nông dân huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, hiện rất nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, địa phương đồng hành với Quế Lâm xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ.

Công ty hỗ trợ đầu vào, quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ việc chủ động vật tư đầu vào, công nghệ sản xuất men vi sinh độc quyền đến các quy trình khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, Quế Lâm đã tạo nên một hệ sinh thái mà ở đó giá trị cốt lõi là vì người nông dân. Các mô hình sản xuất dầu riêng và hồ tiêu sạch của nông dân Cẩm Mỹ chứng minh được hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, bảo đảm lợi ích trực tiếp của người nông dân, từ đó nông dân thấy hiệu quả và tự họ đã thay đổi.

Sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay còn cần thêm các chính sách mang tính đặc thù để tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, mặc dù Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đã đề ra chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch nhưng chưa đủ sức thu hút tổ chức, cá nhân tham gia. Bởi hiện nay nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác rất khó tiếp cận các chính sách nêu trong nghị định.

Chính vì vậy, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ nông dân để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hữu cơ mà trong đó các nông hộ bắt buộc phải chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-de-nong-dan-dung-rieng-le-mot-minh-mot-cho-20241028080150906.htm
Zalo