Không để nhầm lẫn trang thông tin điện tử với báo điện tử
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP (Nghị định 147) của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2024. Nghị định quy định rất rõ hoạt động của các trang thông tin điện tử, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị thiết lập, vận hành trang thông tin điện tổng hợp phải tuân thủ quy định về giao diện, đặt tên trang, tên miền đảm bảo không gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.
Thực tế cho thấy, thời gian qua một số trang thông tin điện tử tổng hợp của cá nhân, tổ chức đã có dấu hiệu “biến hình” giao diện giống với măng-sét của một tờ báo, từ tên trang, tên miền đến nội dung, khiến người xem hiểu nhầm đó là báo điện tử. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý báo chí và mạng Internet. Trước thực trạng trên, những quy định tại Nghị định 147 đã giải quyết cơ bản vấn đề vẫn được xem là tồn tại lâu nay.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết, theo Nghị định 147, tất cả các trang thông tin điện tử tổng hợp phải có quy trình quản lý nội dung, thông tin; có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải không vi phạm bản quyền, phải chính xác theo đúng nội dung nguồn. Nội dung dẫn lại chỉ được phát hành theo đúng thời gian trong thỏa thuận (bằng văn bản) giữa cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng không sớm hơn 1 giờ tính từ thời điểm phát hành nội dung nguồn.
Bên cạnh đó, nội dung dẫn lại phải gỡ ngay sau khi nội dung nguồn bị gỡ (không chậm hơn 3 giờ sau khi nội dung nguồn bị gỡ). Đặc biệt, không cho đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được dẫn lại. Nội dung tổng hợp phải ghi rõ tên tác giả và tên nguồn tin (viết đầy đủ tên nguồn tin), thời gian cơ quan báo chí đăng, phát thông tin đó, đặt đường dẫn liên kết đến bài viết nguồn ngay cuối bài dẫn lại… - ông Đỗ Xuân Hòa
Người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng lưu ý, các trang thông tin điện tử quy định tại Điều 20, Nghị định 147 hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, các trang thông tin điện tử có trách nhiệm gỡ bỏ kịp thời chậm nhất là 24 giờ các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp thực hiện việc báo cáo định kỳ theo mẫu quy định tại Nghị định 147 hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Để quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, Nghị định 147 của Chính phủ cũng yêu cầu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có giấy phép theo quy định. Cụ thể, các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, cá nhân, khi có cung cấp thông tin tổng hợp thì phải có giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
Nghị định cũng quy định rõ, tất cả các giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp theo các văn bản trước đây gồm: Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định 147 có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu có hoạt động liên kết với cơ quan báo chí thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định tại Nghị định 147. Sau 90 ngày, nếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có thời hạn tối đa không quá 5 năm; sẽ không còn hiệu lực khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp đã được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác hoặc một trong các trường hợp bị thu hồi giấy phép. Trường hợp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không còn hiệu lực, bị thu hồi, việc cấp lại giấy phép thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Nghị định 147.