Không để lãng phí nguồn điện sạch
Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời không được vận hành thương mại sẽ gây lãng phí tài nguyên và gây ảnh hưởng lớn đối với nhà đầu tư
Báo cáo vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố cho biết do lỡ hẹn giá FiT (biểu giá điện hỗ trợ) đã khiến 85 dự án (DA) năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.700 MW không được huy động phát điện.
Mua - bán chưa thông
Theo EVN, tính đến ngày 31-10, sau 2 năm tháo gỡ vướng mắc, mới chỉ có 29/85 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.577,65 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại, phát điện thương mại lên lưới. Trong khi đó, hiện vẫn còn 4 DA với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện.
Ông Trần Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phong Điện Gia Lai, cho biết 2 năm nay, DA điện gió có công suất 100 MW với nguồn vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng chưa được huy động công suất vì "lỡ" giá FiT, đã khiến doanh nghiệp (DN) mất khoản doanh thu 500 tỉ đồng, chưa kể khoản lãi vay hằng năm phải trả khoảng 300 tỉ đồng.
Vừa qua, để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển, Chính phủ đã ban hành 2 cơ chế khuyến khích, đó là Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp và Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Song, nhiều DN phản ánh chính sách chưa được triển khai trên thực tế.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận (BWEA), phản ánh nhiều DN sản xuất ngỏ ý muốn mua trực tiếp từ các nhà máy điện sạch của BWEA. Tuy nhiên, do đang bán điện cho EVN nên để bán trực tiếp cho khách hàng sản xuất thì QWEA không biết bắt đầu ra sao. "Tôi băn khoăn về cơ chế hợp đồng, cam kết lưới điện khi EVN tham gia với vai trò bên thứ ba. Nếu mua thông qua đường dây riêng dễ hơn nhưng không khả thi vì đầu tư nguồn lực vào lưới điện lớn, trong khi năng lượng tái tạo phụ thuộc thời tiết nên độ ổn định thấp" - ông Thịnh chia sẻ.
Theo lãnh đạo BWEA, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế để thúc đẩy thị trường phát triển nhưng cần có quy định rõ ràng để các bên tham gia. Khi đó, 85 DN năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng có thể tính tới phương án tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp. "Những vướng mắc trên cần nhanh chóng tháo gỡ, tránh tình trạng rùa bò, không ai bỏ tiền đầu tư. Nếu không, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh" - ông Thịnh kiến nghị.
Sớm có giải pháp tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về giải pháp tháo gỡ cho các DA điện gió, mặt trời chuyển tiếp, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định Bộ Công Thương đã hướng dẫn, chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các DA chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện, bảo đảm không vượt quá khung giá phát điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên. Việc đàm phán về giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, ngày 12-4-2023, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 07, quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó hướng dẫn chi tiết về giá phát điện đối với các DA năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Theo hướng dẫn của thông tư này, từ tháng 5-2024, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN đã gửi văn bản tới tất cả chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề nghị hoàn thiện hồ sơ đàm phán giá điện chính thức để hai bên tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, đến nay, EPTC mới nhận được hồ sơ đàm phán giá điện của 25 DA/phần DA (trong tổng số 85 DA/phần DA) với tổng công suất 1.329,97MW. Hiện tại, EPTC đã hoàn thành và báo cáo EVN giá điện chính thức của 1 dự án điện mặt trời với công suất 64,75 MW; đang triển khai đàm phán giá điện chính thức 24 DA (22 DA/phần DA điện gió và 2 DA /phần DA điện mặt trời).
Góp ý Luật Điện lực sửa đổi mới đây, Đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai) đánh giá trong thời gian qua, tại một số địa phương, còn nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chính sách về giá điện do chính sách, pháp luật ban hành chưa đồng bộ, kịp thời. Đó là chưa kể tại một số DA để xảy ra sai phạm, đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Nhấn mạnh "lâu nay nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời không được vận hành thương mại đã gây lãng phí tài nguyên và có ảnh hưởng lớn đối với nhà đầu tư", đại biểu Siu Hương đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và bổ sung vào điều 93 dự thảo Luật Điện Lực (sửa đổi) quy định chuyển tiếp đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời nêu trên.
Năng lượng tái tạo chỉ chiếm 12,7%
Theo EVN, trong 10 tháng năm 2024, sản lượng điện huy động từ năng lượng tái tạo đạt 32,88 tỉ KWh, chiếm 12,7% trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, điện mặt trời đạt 22,44 tỉ KWh, điện gió đạt 9,56 tỉ KWh.
Để sớm thực thi Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, kiến nghị EVN mở các lớp tập huấn giúp người dân, nhà đầu tư, DN tìm hiểu thủ tục, điều kiện tham gia vào các cơ chế khuyến khích trên.