Không để 'khoảng trống' quản lý
Trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vấn đề quản lý đất đai và trật tự xây dựng càng trở nên nhạy cảm và phức tạp.
Sớm nắm bắt tình hình và nguy cơ này, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm ngay từ đầu, trên tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kiên quyết ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời điểm thành phố có nhiều thay đổi, xáo trộn để tìm cách trục lợi.
Cấp ủy nhận diện, chỉ đạo kịp thời
Ngay trong hội nghị giao ban quý I-2025 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, nội dung tăng cường quản lý đất đai (đặc biệt là đất công) và quản lý trật tự xây dựng đã trở thành một trong những chủ đề chính được họp bàn.
Thay mặt Thường trực Thành ủy kết luận chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã lưu ý, bình thường đây đã là vấn đề “nóng”, trong thời điểm này lại càng “nóng” hơn. “Thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay có khoảng trống trong quản lý”, kết luận nêu rõ.
Trên tinh thần triển khai đồng bộ từ cấp ủy tới chính quyền, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ra Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 22-4-2025 về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố chủ động đấu tranh với các hành vi tổ chức, tiếp tay cho vi phạm.
Sau đó, kết luận Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này. Đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tình trạng vi phạm đất đai xảy ra ở xã, phường, thôn, xóm.
Có thể nói, cả cấp ủy và chính quyền thành phố đều đã kịp thời nhận diện vấn đề, đưa ra chỉ đạo rất đúng và trúng.

Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra công tác xử lý vi phạm tại xã Cấn Hữu. Ảnh: Hoàng Sơn
Báo động nguy cơ sa ngã
Thực hiện các chỉ đạo trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Kết quả bước đầu đã cho thấy số lượng vi phạm không hề nhỏ và nguy cơ sa ngã của cán bộ cơ sở rất đáng báo động.
Đơn cử, tại huyện Quốc Oai, trực tiếp dẫn đầu đoàn kiểm tra đột xuất tại một số xã ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đã phát hiện nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và tình trạng lấn chiếm đất công.
Tại huyện Thanh Oai, mặc dù huyện đã cưỡng chế, tháo dỡ, khắc phục hậu quả đối với 52 trường hợp, vẫn còn hơn 40 trường hợp khác chưa được xử lý dứt điểm. Hiện, huyện đang áp dụng biện pháp cắt nước, cắt điện.
Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua đã phát sinh 17 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng.
Đáng chú ý, liên quan đến hành vi nhận hối lộ để bao che cho xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, 3 cán bộ UBND xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố khởi tố, bắt tạm giam. Tại huyện Quốc Oai, sau khi phát hiện vi phạm, ngày 6-5, UBND huyện đã ra thông báo về việc tạm dừng công tác điều hành đối với Chủ tịch UBND 3 xã: Hưng Đạo, Hòa Thạch và Ngọc Mỹ để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
UBND huyện Phú Xuyên cũng đã tạm đình chỉ nhiệm vụ điều hành đối với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên và Chủ tịch UBND xã Hồng Thái để phục vụ công tác chấn chỉnh, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Trước đó, vụ việc 6 cán bộ phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai bị khởi tố, bắt giam (ngày 14-3) vì những hành vi sách nhiễu trong công tác quản lý trật tự xây dựng, tạo cơ chế xin - cho để nhận hối lộ cũng để lại những bài học nóng hổi, sâu sắc.
Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật
Đáng nói, những ví dụ kể trên mới chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, cho thấy đây là thời điểm các cấp ủy tổ chức Đảng phải chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa, mà trọng tâm là các biện pháp về công tác cán bộ.
Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng, giúp cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật.
HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tăng cường các hình thức chất vấn, yêu cầu giải trình. Các kênh thông tin phản ánh của người dân, của báo chí cần được chú trọng, để mọi dấu hiệu vi phạm đều phải được tiếp nhận, xác minh và xử lý kịp thời, nhất là những nội dung liên quan đến cán bộ.
Đặc biệt, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng dữ liệu đất đai so với kế hoạch. Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ kết hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) hiện đại là cơ sở hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan khối nội chính đã và đang tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành ở cơ sở. Các cấp ủy tổ chức Đảng cần xác định rõ tinh thần và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, coi việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm và danh dự của tập thể, cá nhân ở địa phương và của cả thành phố, mà còn là căn cứ để đánh giá cán bộ, qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động trong thời gian tới.
Quan điểm chỉ đạo nêu trên của Thành ủy cùng với những bài học từ thực tiễn xử lý cán bộ ở Hoàng Mai, Thường Tín vừa qua là lời cảnh tỉnh chung đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Trong mọi trường hợp, nói "không" với vi phạm đất đai, trật tự xây dựng là hành động cần kíp để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.