Không để hộ nghèo, cận nghèo bị bỏ lại phía sau

Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo toàn diện, hiệu quả, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, tự tin và nỗ lực từng bước ổn định cuộc sống, không để ai bị đơn độc, bỏ lại phía sau.

Nhiều hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Lựu.

Nhiều hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Lựu.

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tập trung cho công tác này, coi đây nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp.

Chính sách giảm nghèo được lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển kinh tếxã hội, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả. Nhiều chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, từng bước đi vào cuộc sống đem lại hiệu quả rõ rệt. Đó là thông qua Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" các cấp hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết, trao tặng, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Quan tâm, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua chính sách vay vốn ưu đãi, dạy nghề, giải quyết việc làm..., mở ra cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, có các giải pháp giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất tại các địa phương, đặc biệt là các xã khu vực nông thôn còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, các xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Diện mạo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó tích cực góp công, góp của cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Bước vào năm 2024, toàn tỉnh còn 5.905 hộ nghèo (chiếm 1,86%) và 7.207 hộ cận nghèo (chiếm 2,27%).

Để tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, quan tâm đến hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thiết thực, hiệu quả, mới đây, Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 đã ban hành kế hoạch về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Kế hoạch nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 làm căn cứ xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội khác trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh yêu cầu việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền; sự giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc; sự tham gia của các cấp hội, đoàn thể và của người dân; phải được thực hiện đúng quy trình, đúng tiến độ về thời gian; bảo đảm tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ. Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống của Nhân dân....

Trên cơ sở rà soát và xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội tiếp tục phát huy vai trò trong việc ban hành và thực hiện các văn bản chỉ đạo, có cơ chế, chính sách về công tác giảm nghèo; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo.

Cùng với đó tăng cường "trao cần câu", dạy nghề phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho người nghèo, cận nghèo. Huy động các nguồn lực, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khong-de-ho-ngheo-can-ngheo-bi-bo-lai-phia-sau/d2024092007551171.htm
Zalo