Không để hàng Việt 'hụt hơi' giữa cuộc đua bán hàng online

Trước sức tấn công dồn dập của hàng Trung Quốc trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, để bảo vệ hàng Việt không tiếp tục hụt hơi thì điều nên làm là tránh những quy định mới tạo ra gánh nặng tuân thủ gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không khác gì 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược', cũng như tránh bất bình đẳng khi cạnh tranh và ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.

“Cuộc đua” của hàng Việt trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ khắc nghiệt hơn nữa khi có thêm sự xuất hiện các nền tảng TMĐT hàng đầu của Trung Quốc như Temu, Taobao, 1688. Điều này dẫn tới “cơn sốt” hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam càng mạnh mẽ hơn.

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

Điều đáng nói, trên đường đua bán hàng trực tuyến (online), giá cả của hàng Việt hiện không thể so bì được với hàng Trung Quốc. Và như khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường QandMe, các yếu tố liên quan đến giá cả (giá, khuyến mãi) là những yếu tố quan trọng nhất được khách hàng quan tâm khi mua sắm trực tuyến ở Việt Nam.

Các sàn TMĐT không ngừng mời gọi DN Việt tham gia sàn giữa bối cảnh hàng Trung Quốc giá rẻ đang tấn công dồn dập qua kênh bán hàng online.

Các sàn TMĐT không ngừng mời gọi DN Việt tham gia sàn giữa bối cảnh hàng Trung Quốc giá rẻ đang tấn công dồn dập qua kênh bán hàng online.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng để hàng Việt có sức cạnh tranh tốt đòi hỏi phải có chính sách về thuế sao cho phù hợp, cũng như có một chiến lược tổng thể và dài hạn. Hơn nữa, khi thị trường TMĐT thay đổi như vũ bão, việc tự xoay sở của các doanh nghiệp (DN) nội địa là chưa đủ mà phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng từ phía các sàn TMĐT và cơ quan chức năng.

Trong khi đó, điều đáng lo là nếu như có những quy định mới thiếu hợp lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tiếp tục gây khó khăn cho hàng Việt về mặt chi phí, giá cả và các gánh nặng khác khi kinh doanh trực tuyến.

Chẳng hạn mới đây, khi góp ý vào dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi) với quy định mới là các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật, bày tỏ băn khoăn về việc trao nghĩa vụ mới này, dù không được coi là điều kiện kinh doanh mới thì cũng tạo ra một gánh nặng tuân thủ rất lớn đối với các sàn TMĐT.

Đáng nói hơn nữa, theo ông Dương, đó là các chi phí, có thể nhận thấy sẽ được chuyển vào giá thành dịch vụ của sàn TMĐT, dễ thấy là hàng hóa giao dịch trên sàn sẽ bị đội chi phí và điều này gây khó khăn cho các nhà bán hàng nhỏ và vừa. Họ phải tăng giá và khó bán hàng hơn.

“Quy định yêu cầu sàn TMĐT khai và nộp thuế thay có thể tác động tiêu cực đến nhóm kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, quy định này có thể dẫn đến tình huống người bán hàng nhỏ lẻ có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng cũng phải bị trừ thuế trên mỗi giao dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này”, ông Dương nói.

Chính vì vậy, theo vị giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý, Nhà nước khi ban hành các quy định này thường phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ hoặc điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích và khuyến khích sự hợp tác từ các nền tảng. Hơn nữa, cần làm rõ về nghĩa vụ đối với người bán nước ngoài trên sàn TMĐT tại Việt Nam.

Còn theo ông Phạm Đình Thưởng, Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao thuộc Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế số và coi TMĐT như một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, việc ban hành những quy định gây khó khăn, nặng nề về vận hành đối với các sàn TMĐT, buộc cho họ những trách nhiệm không phải của mình (kê khai, nộp thuế thay) như trong Dự thảo Luật sẽ làm DN và các nhà đầu tư bất an.

Tránh bất bình đẳng cạnh tranh

Nói về việc yêu cầu các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw, nhận định điều này sẽ khiến cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dần rời bỏ sàn TMĐT và chuyển sang kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội. Bởi lẽ, họ phải đóng thuế khi kinh doanh trên sàn TMĐT, trong khi họ lại không bị thu thuế khi kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội.

Khi đó, như lưu ý của ông Hà, các sàn TMĐT sẽ phải chịu sự bất bình đẳng trong việc cạnh tranh và thu hút thương nhân lên kinh doanh trên sàn của mình thay vì kinh doanh trên mạng xã hội. Điều này cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, do các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng cấm trên mạng xã hội.

Điều lo lắng của ông Hà về việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả trên mạng xã hội cũng là mối lo chung của hàng Việt. Và theo ghi nhận từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm. Đáng lưu ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá môi trường để hàng giả đưa vào lưu thông càng ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ, như kinh doanh công khai trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch TMĐT, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó…

Nhất là khi đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.

Không những vậy, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hóa và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Và do tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hóa tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.

Trong khi đó, đối mặt với tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, điều bất lợi cho hàng Việt khi kinh doanh online là phải chịu chi phí tuân thủ lớn với các loại thuế, phí. Chưa kể, hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc theo con đường phi chính thức qua bán hàng online lại có thể tránh nghĩa vụ thuế cũng là điều đáng lưu tâm.

Không những vậy, trước lợi thế về giá rẻ, khiến cho nhiều thương nhân càng hướng tới nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thay vì phân phối các sản phẩm cùng loại do trong nước sản xuất. Như thế lại càng khiến cho hàng Việt dễ hụt hơi trong cuộc đua bán hàng online nếu như khâu chính sách thiếu giải pháp tiếp sức nhưng lại thừa rào cản.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-hang-viet-hut-hoi-giua-cuoc-dua-ban-hang-online-1103118.html
Zalo