Không để đường cao tốc 'dậm chân tại chỗ' do thiếu cát

Chính phủ đã và đang có những chỉ đạo cấp bách, yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhanh chóng gỡ vướng để đảm bảo nguồn cung cấp cát cho các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam.

Thực trạng thiếu cát và nỗi lo trễ hẹn

Cao tốc phía Nam và Tây Nam Bộ là các dự án có ý nghĩa chiến lược, không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Với mạng lưới giao thông hiện đại, các khu vực này sẽ dễ dàng tiếp cận các trung tâm kinh tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa và phát triển du lịch.

Theo quy hoạch đến năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có khoảng 1.200 km đường cao tốc, với 3 tuyến theo trục Bắc - Nam và 3 tuyến theo trục Đông - Tây, kết nối TP HCM, miền Đông và Tây Nam bộ.

Hiện ĐBSCL đã khai thác và thông xe được 200 km cao tốc, với quy mô 4 làn xe; các dự án còn lại đang tổ chức thi công, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu…, nhưng nguồn cát đắp nền đang thiếu ảnh hưởng tới tiến độ và tăng mức đầu tư các dự án này.

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn năm 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL cần tới hơn 65 triệu m3 cát để đắp đường cho 6 dự án cao tốc trọng điểm và một số dự án quan trọng khác. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2024, nhiều dự án đang thiếu cát đắp nền.

Cụ thể, các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau hiện còn thiếu khoảng 9,7 triệu m3; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thiếu hơn 10,5 triệu m3; Vành đai 3 TPHCM thiếu 8,6 triệu m3; An Hữu - Cao Lãnh thiếu 0,95 triệu m3; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận thiếu 1,8 triệu m3…

Một nhà thầu đang thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) cũng cho biết, riêng tại tỉnh Hậu Giang, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Cần Thơ - Cà Mau), có chiều dài gần 111 km, đi qua địa bàn tỉnh này là 63,6 km. Còn dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 188 km, đi qua tỉnh Hậu Giang gần 37 km.

Nhưng hiện nay, nguồn cát đắp nền đường cung cấp cho các dự án mà đơn vị đang thi công tại tỉnh Hậu Giang đang thiếu trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án này. Mặc dù, thời gian qua, đơn vị đã chủ động làm việc với tỉnh Bến Tre để tìm kiếm và thực hiện các thủ tục cấp nguồn vật liệu cát đắp cho dự án.

Phải đủ cát cho những dự án, công trình trọng điểm

Trước thực trạng này, Chính phủ đã có những chỉ đạo cấp bách, yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhanh chóng gỡ vướng để đảm bảo nguồn cung cấp cát cho các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam.

Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh quá trình thẩm định và cấp phép khai thác cát cho các dự án.

Cụ thể, Thông báo số 283/TB-VPCP năm 2024 - Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các Bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Theo Thông báo, để việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các tuyến giao thông kết nối liên vùng, các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục xác định đầy đủ trách nhiệm chính trị, chủ động trong việc bảo đảm cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án; các Bộ, địa phương phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường (cát) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Đây là những dự án huyết mạch, là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương; vì vậy, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền ở trung ương (Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành) và địa phương theo tinh thần “Bàn để quyết chứ không bàn để đấy”; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22/6/2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

 Công văn số 6390/VPCP-CN

Công văn số 6390/VPCP-CN

Mới đây, ngày 7/9/2024, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 6390/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình giao thông trọng điểm.

Công văn nêu: Xét đề nghị của UBND tỉnh Bến Tre tại Báo cáo số 497/BC-UBND ngày 25/8/2024 về khó khăn, vướng mắc đối với cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu UBND tỉnh Bến Tre nghiên cứu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải để thực hiện thủ tục cấp mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù (không phải khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác), khẩn trương cung ứng nguồn cát đắp nền đường các dự án giao thông trọng điểm theo cam kết.

Đồng thời, UBND tỉnh Bến Tre hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26/6/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời UBND tỉnh Bến Tre và các địa phương có nguồn vật liệu san lấp nền đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia khai thác cát cần áp dụng các công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Phó Thủ tướng cũng đã đề xuất các biện pháp thay thế như sử dụng cát nhân tạo và cát tái chế, nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên tự nhiên. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả các biện pháp này đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ và kinh phí.

Với mục tiêu đến năm 2025, ĐBSCL phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc như Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực nhiều hơn. Đặc biệt là tính đến chuyện tìm nguồn vật liệu tin cậy, đủ sức thay thế cát sông trong việc san lấp...

Lê Vũ - Thiên Bảo

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khong-de-duong-cao-toc-dam-chan-tai-cho-do-thieu-cat-2032720.html
Zalo