Không để bùng phát bệnh khảm lá sắn

Bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần đầu ở nước ta năm 2017. Từ đó đến nay, bệnh gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng sắn trọng điểm của cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng sắn, thậm chí gây mất mùa trên diện rộng.

Nông dân xã Cẩm Mỹ (Đồng Nai) nhổ bỏ cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. (Ảnh: TTXVN)

Nông dân xã Cẩm Mỹ (Đồng Nai) nhổ bỏ cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá vẫn còn ở mức cao. Để ngăn chặn bệnh, không để bùng phát thành dịch, các địa phương cần chủ động biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

Phó Cục trưởng Trồng trọt và (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, tính đến đầu tháng 7, cả nước có hơn 49.300ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus, trong đó nhiễm nặng gần 9.700ha, có 3ha tại tỉnh Hà Tĩnh bị mất trắng; hiện đã phòng trừ môi giới truyền bệnh khoảng 1.100ha. Bệnh phân bố chủ yếu tại các tỉnh, thành phố như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá, bệnh khảm lá trên cây sắn lây truyền theo hai phương thức: Qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh (các loài bọ phấn). Thông qua hai cơ chế lan truyền này, bệnh khảm lá sắn lây lan rất nhanh.

Cụ thể, virus tồn tại trong nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau, virus sẽ tiếp tục nhân lên và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm, ra lá. Thân, gốc cây sắn nhiễm virus còn sót lại trên ruộng sau khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng. Tùy theo thời gian nhiễm, mức độ nhiễm, kháng bệnh của giống sắn, bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Do vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra, quan sát, xác định ruộng bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh theo giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Khi cây sắn nhiễm bệnh trên lá sẽ có các vết khảm vàng xanh loang lổ, làm lá xoăn vặn, biến dạng rất khác nhau, từ vài vết khảm vàng đến bản lá bị xoăn vặn, biến dạng hoàn toàn. Nếu hom giống lấy từ cây sắn nhiễm bệnh hoặc bọ phấn truyền virus gây bệnh ngay khi mới nhú mầm thì chồi non sẽ phát triển chậm, chùn ngọn và lá khảm vàng xanh loang lổ.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo, thời gian tới, bệnh khảm lá virus tiếp tục lây lan, gia tăng diện tích nhiễm bệnh tại các vùng trồng sắn trong cả nước, nhất là ở khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cục khuyến cáo người dân không nhập khẩu giống sắn nhiễm virus gây bệnh khảm lá để làm giống, cũng như không vận chuyển, buôn bán, sử dụng hom giống ở các ruộng bị bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, hạn chế trồng các giống dễ bị nhiễm nặng bệnh khảm lá như: HLS11, KM419, KM140, KM94,... đặc biệt ở những vùng không có điều kiện tưới nước và bón phân.

Đối với vùng đang có nhiều diện tích nhiễm bệnh nặng, người dân ưu tiên sử dụng các giống sắn kháng bệnh, giống chống chịu bệnh đã được công bố lưu hành như HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97,...; luân canh ở những địa điểm trồng sắn đã bị bệnh khảm lá nặng từ hai vụ liên tiếp trở lên không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà, bầu bí, khoai tây, ớt,...) trong ít nhất một vụ.

Ở những khu vực đã bị nhiễm bệnh nặng trong các vụ trước hoặc ruộng gần khu vực có sắn đang bị bệnh, nông dân cần kiểm tra sớm sự xuất hiện của bọ phấn, phun thuốc bảo vệ thực vật lần 1 khi cây được khoảng 20-25 ngày sau trồng (mới ra một đến hai cặp lá), phun lần 2 khoảng 1,5-2 tháng sau trồng (cây cao 0,5-0,7m) nếu trên ruộng vẫn xuất hiện nhiều bọ phấn.

Cục cũng lưu ý nông dân chỉ sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký phòng trừ bọ phấn hại cây sắn có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành hằng năm và phải sử dụng thuốc tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-de-bung-phat-benh-kham-la-san-post893386.html
Zalo