Không để bộ máy nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho những cán bộ kém năng lực

Sáng 01/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hội trường tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hội trường tỉnh Bắc Kạn.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và trực tuyến đến hơn 14.500 điểm cầu cấp huyện, cơ sở, cơ quan, đơn vị, các tỉnh, thành phố trên cả nước... với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành…

 Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đông đảo cán bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh...

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh...

Trong chương trình, đại biểu nghe đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Báo cáo kết quả triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cho thấy: Nghị quyết tập trung vào việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau khi triển khai, Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết, để hoàn thiện thể chế, bao gồm các luật, nghị định và thông tư liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, và phân cấp quản lý nhà nước. Việc này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng giảm cấp trung gian, hợp nhất hoặc sáp nhập các đơn vị không đáp ứng tiêu chí. Kết quả là giảm hàng loạt tổng cục, cục, vụ, và đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả quản lý. Nhiều địa phương đã giảm mạnh số lượng biên chế theo đúng lộ trình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Nhờ tinh gọn tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số địa phương đã đạt mức cao, vượt kế hoạch đề ra. Có thể thấy, việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã mang lại kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường tỉnh Bắc Kạn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường tỉnh Bắc Kạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết còn một số khó khăn như: Chưa đồng bộ về thể chế; gặp khó khăn trong tinh giản biên chế; một số cơ quan sau sắp xếp vẫn hoạt động chưa thực sự hiệu quả; việc sắp xếp bộ máy tại một số địa phương chưa đồng bộ, thiếu nhất quán... Từ những vấn đề trên, đặt ra yêu cầu về việc cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giải quyết bài toán biên chế.

Báo cáo những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, nêu bật những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình KT-XH 11 tháng của năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. GDP năm 2024 ước tăng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%). Các chỉ tiêu đột phá chiến lược, các lĩnh vực như: Văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại; đổi mới thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... đều đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm MInh Chính nêu rõ những khó khăn, thách thức như: Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực; lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội, nguồn lực từ đất đai, đầu tư công, đầu tư tư nhân, tài nguyên, khoáng sản, lao động… còn nhiều. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường…

Từ những thuận lợi, khó khăn đó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đồng thời nêu những giải pháp chủ yếu năm 2025 và giai đoạn tới như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đó là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Hai là, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. Ba là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Bốn là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Năm là, Bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài. Sáu là, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bảy là, chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tám là, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Việc cải cách đổi mới thể chế để phát triển, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ không thể chậm trễ hơn được nữa. Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, bên cạnh những kết quả đạt được rất khả quan vẫn còn một số chỉ tiêu đáng suy nghĩ. Để tháo gỡ những khó khăn cần giải pháp căn cơ về huy động vốn, ổn định lãi suất cho vay vốn; đồng bộ quy hoạch để phát triển không gian phát triển công nghiệp, du lịch với cảng biển, sân bay, đường cao tốc. Tổng Bí thư đánh giá cao công tác sửa đổi, xây dựng luật.

Phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng cần tìm ra "liều thuốc" để trị cán bộ lười tư duy, lười sáng tạo, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Hơn lúc nào cán bộ, đảng viên phải nỗ lực, sáng tạo, ra sức cống hiến để đất nước phát triển. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; phải tranh thủ thời gian để bứt tốc.

 Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị.

Cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị cho công tác cán bộ khóa mới. Tinh gọn bộ máy tổ chức cán bộ là việc bắt buộc phải làm. Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Đây là vấn đề rất khó, vì khi tinh giản tổ chức bộ máy sẽ động chạm đến tâm tư tình cảm, lợi ích của cán bộ. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tiến hành. Muốn có cơ thể khỏe mạnh phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để cắt bỏ các chỗ bị bệnh. Cần thực hiện với quyết tâm cao độ, phải tính đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng được bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Tranh thủ thời gian để sắp xếp kiện toàn bộ máy xong trong quý I năm 2025. Triển khai thực hiện khẩn trương nhưng phải thận trọng. Việc tinh gọn bộ máy không có nghĩa là cắt giảm cơ học mà là giảm vị trí không cần thiết, những bộ phận không hiệu quả. Không để bộ máy nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho những cán bộ kém năng lực. Tạm dừng bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức vụ ở các cơ quan thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Tạm dừng tuyển công chức từ quý I năm 2025 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Công việc phía trước bộn bề, đất nước đứng trước ngưỡng cửa lịch sử - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những việc làm hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho đất nước thời gian tới và mai sau. Đồng chí Tổng Bí thư mong muốn toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện các nội dung đã đề ra để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Trung ương đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, địa phương triển khai nội dung trọng tâm của Hội nghị tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tổ chức thực hiện hiệu quả./.

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/khong-de-bo-may-nha-nuoc-la-vung-trung-la-noi-tru-an-an-toan-cho-nhung-can-bo-kem-nang-luc-post67774.html
Zalo