Không để ai bị bỏ lại phía sau trong lũ lịch sử
Trong hơn hai ngày vừa qua, người dân tỉnh Thái Nguyên thấp thỏm, lo âu trước lũ lớn lịch sử, đỉnh lũ vượt báo động 3 là 1,81 mét, cao hơn 0,73 mét so với trận lũ lịch sử được thống nhất xác định là năm 2001. Đạt đỉnh vào sáng 10/9, lũ lụt trên địa bàn bắt đầu rút dần. Trong mưa lũ cam go, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được phát huy cao độ; bộ đội, công an trầm mình trong nước suốt ngày để cứu trợ người dân với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo ứng phó, các công điện, thăm nắm tình hình lũ lụt, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo: Trong mọi hoàn cảnh, ưu tiên cao nhất là bảo đảm tính mạng, không để người dân bị mắc kẹt, thiếu lương thực, nước uống.
Trong lũ lịch sử, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân lại sáng lên để vượt qua nguy hiểm, khó khăn. Bà Trần Thị Bảy ở tổ 10, phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên có căn nhà 2 tầng ở xa trung tâm, khi lũ lớn xảy ra, bà đã tiếp nhận hai gia đình lân cận về mình nhà ở, tổng số trong căn nhà có 14 người, gồm 8 người lớn, 4 trẻ em và 2 trẻ sơ sinh.
Các thành viên trong nhà bà Bảy sống trong cảnh không có điện, không có nước uống, không nấu ăn được, hai trẻ sơ sinh hết sữa. Sau khi liên hệ với chính quyền, 2 giờ sáng ngày 10/9 thì lực lượng công an, bộ đội đưa thuyền vào ứng cứu, đưa một gia đình đến nơi an toàn, cấp nước uống, sữa, mỳ tôm cho hai gia đình còn lại.
Khu vực cầu Bóng Tối trên đường Bến Tượng, phường Trưng Vương ngập sâu, bên trong có nhiều gia đình sinh sống bị chia cắt với bên ngoài, một số người dân dùng thuyền, ghép bè mảng để đưa bà con đi lại, nhận tiếp tế từ người nhà, người hảo tâm và chính quyền địa phương.
Khi có tin một cháu bé sinh năm 2020 ở xóm vùng xa Khe Mong có đông đồng bào H’Mông sinh sống bị đuối nước trong mưa lũ lớn chia cắt, mất sóng điện thoại nên không cách nào liên lạc được, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ, xã Văn Lăng lập tức cử cán bộ vượt rừng vài km vào xóm để nắm tình hình, khắc phục hậu quả, chuẩn bị phương án di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường cho biết: Mưa lũ rất lớn, sạt lở chia cắt nhiều xóm, bộn bề công việc phòng, chống, khắc phục thiên tai nặng nề, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sát cánh, lo tính mạng người dân là trên hết, trước hết.
Đồng chí Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý Công trình, Chi cục Thủy lợi-Cơ quan thường trực phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 7/9 luôn có mặt tại các “điểm nóng”, khi thì đi vùng sâu vùng xa có lũ lớn, khi lại túc trực canh đê. Cả đêm 9/9 đi hộ đê Túc Duyên đến 5 giờ sáng 10/9 về chợp mắt được lúc rồi lại tiếp tục đi chống lũ, hỗ trợ dân.
Suốt mấy ngày đêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phan Đình Phùng Trần Đình Thìn và đội ngũ cán bộ, công an phường, dân quân địa bàn cùng với tuyền, bè trong mưa lũ túc trực ở những tuyến phố, điểm ngập sâu để đưa, đón, hỗ trợ tiếp tế cho dân.
Từ đêm 8/9, vài chục bộ đội, công an thay nhau trầm mình ở điểm ngập sâu, dài hàng trăm mét đầu cầu Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên để đưa, đón người dân vượt dòng lũ lớn. Lực lượng khác đi sâu vào ngõ ngách trên địa bàn phường Đồng Bẩm để đưa dân ra bên ngoài, tiếp tế lương thực, nước uống cho những người bám trụ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Trong lũ lịch sử, chúng tôi huy động tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang để cứu dân, tổ chức nơi ăn, chỗ ở tạm cho hàng nghìn người, không để ai bị đói, khát”.
Lũ lụt lên nhanh, diện ngập quá lớn, diễn biến phức tạp, trong đêm tối, có những hộ ở xa trung tâm, đi lại khó khăn, xuồng, thuyền không nhiều nên lực lượng chức năng chưa đến di dời, hoặc cứu trợ kịp thời. Nhưng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định, không để ai bị bỏ lại phía sau trong lũ; đồng thời công bố các đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người dân để có biện pháp cứu trợ kịp thời hơn.
Để có thêm nguồn lực, từ chiều ngày 9/9 thành phố Thái Nguyên tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để phân phát đến những hộ bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt. Đến 18 giờ cùng ngày, thành phố Thái Nguyên đã tiếp nhận hơn 3 tạ lương khô, hàng trăm thùng mỳ tôm và nước uống.
Bên cạnh việc tiếp nhận hỗ trợ, thành phố Thái Nguyên còn hướng dẫn, tạo thuận lợi để các cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm, tình nguyện viên quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm đến trực tiếp người dân; nấu các suất ăn chuyển đến người dân đang ở nơi tạm cư, lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm xung yếu.
Chưa có số thống kê, tổng hợp đầy đủ, nhưng đến nay trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, gần như không còn hộ nào bị lũ lụt ngập nhà, cô lập, nguy hiểm mà không được di dời hoặc không liên lạc được.
Cùng với việc huy động 100% quân số cứu hộ, cứu nạn lũ lụt trên địa bàn toàn tỉnh, Công an tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Ban công tác thanh niên và phụ nữ, các đơn vị trực thuộc, công an các phường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ người dân của các tổ chức, cá nhân.
Từ 3 giờ sáng ngày 10/9, hàng tấn hàng hóa cứu trợ, gồm mì tôm, nước, sữa, hơn 2.500 áo phao được tiếp nhận tại trụ sở Công an tỉnh, phân loại và đóng thành từng gói để chuyển đến cứu trợ người dân các vùng ngập lụt.
Tỉnh Thái Nguyên và người dân bị ảnh hưởng đang cùng nhau vượt qua lũ lịch sử.