Không cứu giúp người đang gặp nạn có thể bị phạt tù
Trong cuộc sống, không ít người khi gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ đã bỏ đi vì sợ 'liên lụy'. Việc làm này là hành vi mà pháp luật có thể xử lý hành chính, thậm chí phạt tù.
Vào đầu năm 2023, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khởi tố bà H. (32 tuổi, trú tại Nghệ An) về hành vi "không cứu giúp người gặp nguy hiểm đến tính mạng".
Trước đó, vào khoảng 10 giờ tối ngày 2/10/2022, bà H. lái xe ô tô trên quốc lộ 1A, hướng từ Nam ra Bắc. Khi đến thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, bà dừng xe bên đường để đi vệ sinh. Trên xe bà lúc đó còn có hai người khác.
Cùng lúc đó, anh Nguyễn Công P. đi xe máy từ phía sau đã va chạm với xe của bà H và ngã xuống đường.
Bà H. thấy vậy nhưng vẫn lên xe đi tiếp, bỏ mặc anh P. nằm lại hiện trường. Do không được ai giúp đỡ, anh P. đã bị một xe tải đông lạnh cán qua người và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: căn cứ Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" như sau:
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ảnh minh họa. Nguông: Internet
Theo quy định trên, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, căn cứ khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ thì: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu;
b) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.
Theo đó, người nào không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông, khi có yêu cầu thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.