Không còn là trào lưu, du lịch xanh trở thành 'vũ khí cạnh tranh' mới của Việt Nam

Phát triển du lịch xanh trở thành xu hướng tất yếu và yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp không khói của Việt Nam trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, du lịch xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và giữ gìn các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Tại Việt Nam, nhiều địa phương và doanh nghiệp du lịch đã và đang tiên phong triển khai mô hình du lịch xanh, góp phần lan tỏa thông điệp sống xanh, du lịch xanh đến cộng đồng và du khách trong nước, quốc tế.

Tràng An - Viên ngọc xanh giữa miền cố đô

Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. (Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam)

Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. (Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam)

Là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của hệ thống hang động, núi đá vôi và sông nước mà còn được biết đến như một điểm sáng trong phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường.

Tại đây, các hoạt động du lịch được tổ chức theo hướng hạn chế tối đa tác động đến thiên nhiên. Hệ thống phương tiện di chuyển bằng thuyền chèo tay không sử dụng động cơ, không khí trong lành không có tiếng ồn cơ giới. Công tác quản lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, vô cùng nghiêm ngặt; du khách được khuyến khích không mang theo chai nhựa dùng một lần, nhiều điểm dừng chân có lắp đặt thùng rác phân loại, sử dụng vật liệu tự nhiên.

Những nỗ lực này đã góp phần bảo tồn hệ sinh thái độc đáo của Tràng An, giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ vốn có.

Thung Nham - Vườn chim giữa rừng ngập nước

Thung Nham là "ngôi nhà" lý tưởng cho nhiều loài chim cư trú ở đồng bằng sông Hồng cũng như các loài chim di cư (Nguồn: VNP/VNA)

Thung Nham là "ngôi nhà" lý tưởng cho nhiều loài chim cư trú ở đồng bằng sông Hồng cũng như các loài chim di cư (Nguồn: VNP/VNA)

Nằm trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch sinh thái Thung Nham là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên và quan tâm đến môi trường.

Bao quanh bởi rừng ngập nước và núi đá vôi, Thung Nham nổi bật với vườn chim tự nhiên - nơi cư trú của hàng chục loài chim quý hiếm như cò trắng, le le, vạc, diệc xám… tạo nên khung cảnh sinh thái yên bình và đa dạng.

Du lịch tại Thung Nham được định hướng phát triển theo mô hình sinh thái bền vững. Các công trình hạ tầng được thiết kế hạn chế bê tông hóa, sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ; đồng thời triển khai các chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên cho du khách và cộng đồng..

H’Mong Village - Kết nối du lịch và bảo tồn văn hóa bản địa

H’mong Village - nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Nguồn: H’mong Village)

H’mong Village - nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Nguồn: H’mong Village)

Ở vùng cao phía Bắc, du lịch xanh không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn là gìn giữ bản sắc văn hóa.

Nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), H’Mong Village Resort là mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng, mang đậm dấu ấn văn hóa người H’Mông.

Các căn bungalow tại đây được xây dựng bằng đá, gỗ, lợp mái cọ, hoàn toàn sử dụng vật liệu địa phương. Khu nghỉ dưỡng cũng khuyến khích sử dụng thực phẩm bản địa, tổ chức các tour trải nghiệm nghề truyền thống và hướng dẫn du khách ứng xử thân thiện với môi trường, tôn trọng không gian sống của người dân bản địa.

Nhờ vậy, mô hình này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đóng góp vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể vùng cao.

Mô hình nghỉ dưỡng xanh ven biển

Không chỉ ở miền Bắc, tại khu vực duyên hải miền Trung, nhiều khu nghỉ dưỡng đã lựa chọn con đường phát triển bền vững, gắn kết giữa kinh doanh du lịch với trách nhiệm môi trường.

MuiNe Bay Resort: “Tòa nhà nhiệt đới” ở thành phố du lịch biển (Nguồn: Tripadvisor)

MuiNe Bay Resort: “Tòa nhà nhiệt đới” ở thành phố du lịch biển (Nguồn: Tripadvisor)

Tiêu biểu như Mũi Né Bay Resort (Bình Thuận) - một trong những khu nghỉ dưỡng ưu tiên thiết kế hòa quyện với thiên nhiên bản địa, sử dụng năng lượng mặt trời, thu gom nước mưa phục vụ tưới tiêu và ứng dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường trong xây dựng.

Khu nghỉ dưỡng này còn thúc đẩy tiêu dùng xanh trong du khách thông qua các hoạt động như hạn chế đồ nhựa dùng một lần, và trồng cây xanh phủ kín khuôn viên.

Toàn cảnh Furama Resort từ trên cao (Nguồn: Furama Vietnam)

Toàn cảnh Furama Resort từ trên cao (Nguồn: Furama Vietnam)

Ngoài ra, tại Đà Nẵng, Furama Resort cũng là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng mô hình “resort xanh". Bằng việc xử lý nước thải tuần hoàn, sử dụng hệ thống đèn LED tiết kiệm điện, tổ chức các chiến dịch trồng rừng, thu gom rác biển, Furama không chỉ giữ vững chất lượng dịch vụ mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho du khách và cán bộ nhân viên.

Đây cũng là địa điểm thường xuyên được lựa chọn cho các hội nghị quốc tế về môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh những điểm đến tiêu biểu kể trên, nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang… cũng đang tích cực triển khai các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thân thiện với môi trường.

Tỉnh Quảng Nam đang thúc đẩy phát triển du lịch không rác thải tại Hội An; Lào Cai gắn du lịch với gìn giữ bản sắc dân tộc thiểu số; trong khi Kiên Giang phát triển du lịch sinh thái biển đảo gắn với bảo tồn rạn san hô và rừng ngập mặn.

Việc nhân rộng mô hình du lịch xanh không chỉ giúp nâng cao chất lượng điểm đến mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, cải thiện sinh kế cộng đồng, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và có trách nhiệm trong mắt bạn bè quốc tế.

Sáng 11/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM 2025) tại Hà Nội, Diễn đàn “Phát triển các điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu đến từ các địa phương, doanh nghiệp và giới chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hà Anh)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh, phát triển du lịch xanh không chỉ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho du lịch Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, cần thiết lập một hệ sinh thái du lịch xanh toàn diện, bao gồm quy hoạch sản phẩm, đầu tư hạ tầng và dịch vụ thân thiện với môi trường, quản lý điểm đến hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng khẳng định, sự thành công của mô hình du lịch xanh phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân và du khách. Phát triển du lịch không chỉ hướng đến thu hút khách mà còn phải góp phần bảo vệ tài nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo nền tảng cho một ngành du lịch phát triển bền vững trong tương lai.

Yến Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-con-la-trao-luu-du-lich-xanh-tro-thanh-vu-khi-canh-tranh-moi-cua-viet-nam-310923.html
Zalo