Không có lối đi tắt cho phát triển bền vững

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), ông Nguyễn Hoàng Phương (ảnh) - Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (ABE Academy) đã chia sẻ với bạn đọc Thời báo Ngân hàng về triết lý phát triển doanh nghiệp 'sếu đầu đàn'. Ông Phương có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn doanh nghiệp về Thương hiệu và Chiến lược Marketing.

Thưa ông, trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 với kinh tế sáng tạo, lối đi nào để doanh nghiệp Việt Nam “đi tắt đón đầu”, tiến nhanh và kéo gần khoảng cách phát triển, nhất là trong thế giới luôn biến đổi như hiện nay?

Thưa ông, trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 với kinh tế sáng tạo, lối đi nào để doanh nghiệp Việt Nam “đi tắt đón đầu”, tiến nhanh và kéo gần khoảng cách phát triển, nhất là trong thế giới luôn biến đổi như hiện nay?

Trong câu chuyện phát triển bền vững và xây dựng những thương hiệu bền vững, không có việc “đi tắt đón đầu”. Chúng ta chỉ có thể tận dụng những lợi thế của mình ở những điểm nổ về công nghệ như trong bối cảnh hiện tại. Những thương nhân hay doanh nhân đều rất khôn ngoan, càng khôn ngoan thì càng thận trọng. Mà thường là người thận trọng sẽ rất sợ lối đi tắt. Không biết có nhanh hơn không, nhưng rõ ràng ở đó rất có thể có những cái bẫy rình rập.

Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tạm gọi là “sếu đầu đàn” như Vingroup, THACO, Hòa Phát… có khả năng dẫn dắt ngành kinh tế. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế. Rào cản ở đây là gì và phải làm sao vượt qua để doanh nghiệp Việt thực sự là “sếu đầu đàn” tầm cỡ thế giới?

Tôi nghĩ một chủ doanh nghiệp có khát vọng thực sự sẽ có lối tư duy biến mọi rào cản trở thành những cơ hội để tốt hơn và trưởng thành hơn. Chuyện doanh nghiệp Việt Nam trở thành “sếu đầu đàn” và ước mơ làm “sếu đầu đàn của thế giới”, đó là những khát vọng. Song, những mơ ước và khát vọng đó chỉ có thể hiện thực nếu đi cùng với tinh thần lao động nghiêm túc, rất kiên trì, kỷ luật. Đấy là những giá trị từ chính sự lao động có chất lượng.

Những thách thức trong quá trình phát triển và trưởng thành là tất yếu, song nhận ra được mình đang ở đâu, có niềm tin vào chính mình là tiền đề, là nền tảng để vượt qua được những khó khăn và chinh phục những mục tiêu mới.

Trong cuộc gặp của Thủ tướng với các đại diện doanh nghiệp tư nhân, có một đề xuất là cần đẩy mạnh giáo dục kết hợp với phổ cập tiếng Anh để nâng cao năng lực nguồn lao động và tiến ra thế giới. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Tôi cho rằng đó là quan điểm đúng. Nó cũng giống như dần dần chúng ta phải phổ cập thêm nhiều kiến thức khác trong dòng chảy tri thức toàn cầu như AI, kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp, các loại ngoại ngữ… Song, trước nhất phải “thành nhân” đã, phải khôi phục và kiến thiết những giá trị phát triển con người trong xã hội.

Học và trưởng thành về mặt con người quan trọng, thú vị hơn nhiều so với những kiến thức cụ thể. Sự lương thiện và giá trị nhân văn của một con người là nguồn liệu căn bản để một đất nước tự tin hội nhập với tất cả bạn bè quốc tế.

Theo ông, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có thể thực sự dẫn dắt tăng trưởng, từ đó vươn tầm quốc tế?

Tôi nghĩ 5 năm tới thực sự là bước ngoặt, sẽ có nhiều sự thay đổi. Đại hội sắp tới của Đảng là một dịp quan trọng bậc nhất để các lãnh đạo đất nước cùng bàn và tìm kiếm và đồng thuận để cải cách thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật ngày một hoàn chỉnh, bảo vệ niềm tin và những khát khao của xã hội trong việc xây dựng kinh tế và cuộc sống.

Song, điều quan trọng nhất với một doanh nghiệp và một công dân vẫn là sự tự chủ. Không có “con đường trải hoa” nào cho những cá nhân và tổ chức thụ động, chờ đợi chính sách và những sự trợ giúp. Nhà nước và Chính phủ cũng luôn kêu gọi sự chủ động, bởi đó là biểu hiện trưởng thành của những người những doanh nghiệp tự lập, tự trọng và tự tin.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” gắn với chiến lược phát triển ngành. Cụ thể là xác định lĩnh vực then chốt có sự hiện diện của đội ngũ doanh nghiệp như công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao… Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Về mặt quản lý nhà nước, cần phải tạo ra những cơ hội bình đẳng và những sân chơi lành mạnh cho tất cả những người chơi, ở đây là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế.

Thế nên, chúng ta cũng không nên “rộn ràng” quá với những danh xưng như “rồng”, “phượng”, “hổ”, “sếu đầu đàn”, hãy để cho việc này diễn ra một cách tự nhiên, hãy để “con sếu” thông minh nhất và khỏe nhất tự nhiên trở thành con dẫn đầu.

Xin cảm ơn ông!

Hà Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khong-co-loi-di-tat-cho-phat-trien-ben-vung-156604.html
Zalo