Không có cộng đồng sẽ không có di sản

Di sản không chỉ là minh chứng của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sống động cho tương lai. Di sản của một quốc gia, một dân tộc tồn tại nhờ sự gắn kết, bảo vệ và phát huy của cộng đồng - những người thấu hiểu giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.

Trụ cột then chốt

“Trong những ngày qua khi đến Việt Nam, tôi đã thảo luận với nhiều lãnh đạo của đất nước. Qua đó, không chỉ làm tôi hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú mà hiểu việc bảo tồn di sản đã được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia. Không nhiều quốc gia làm được những việc tương tự”. Đây là chia sẻ đầy cảm hứng của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” sáng 21/5, tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Việt Nam hiện có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận và hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Mỗi di sản là kho tàng quý báu, kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, các giá trị di sản cả văn hóa và thiên nhiên đang đứng trước nhiều nguy cơ như biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người... Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cộng đồng là một trụ cột trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ảnh: Thảo Nguyên

Cộng đồng là một trụ cột trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ảnh: Thảo Nguyên

Vấn đề đặt cộng đồng lên vị trí trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ đóng vai trò là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại mà còn mở ra những hướng đi mới cho tương lai bền vững. Công ước 1972 của UNESCO đã nhấn mạnh 5 chữ "C" trong chiến lược toàn cầu, trong đó "Community" - cộng đồng, được coi là một trụ cột. Ở đây, cộng đồng không đơn thuần là khái niệm mà là một triết lý, nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản. Chính cộng đồng nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá và hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản.

Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, PGS. TS. Đặng Văn Bài nhận định, gần 40 năm qua (Việt Nam chính thức tham gia Công ước 1972 của UNESCO năm 1987), tại Việt Nam đã ghi nhận bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặc biệt là theo hướng tiếp cận cộng đồng. “Có thể nói, chúng ta đã xử lý hài hòa mối quan hệ giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam (cấp quốc gia) và cộng đồng quốc tế mà UNESCO là đại diện”.

Phát triển bao trùm, bền vững

Vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản cần được nhìn nhận không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo. Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, điểm khá đặc thù của Đô thị cổ Hội An là có cuộc sống đương đại của người dân trong lòng đô thị cổ, di sản được xem là "bảo tàng sống". “Ở Hội An, hơn 80% di sản thuộc về sở hữu cộng đồng. Các chính sách bảo vệ, phát huy di sản gắn chặt với vai trò, lợi ích cộng đồng. Cộng đồng là chủ thể tham gia, đồng hành với chính quyền và hưởng lợi từ chính di sản mà họ nắm giữ”.

Ở Hội An, hơn 80% di sản thuộc về cộng đồng. Nguồn: HA

Ở Hội An, hơn 80% di sản thuộc về cộng đồng. Nguồn: HA

Hay mô hình tại Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp (Di sản thiên nhiên và văn hóa) duy nhất của Việt Nam, khi người dân, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ, được trao quyền và tham gia thực chất, di sản có thể trở thành nền tảng cho phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng một cách bền vững…

Đứng trước thách thức của chuyển đổi số và những yêu cầu cấp thiết của thời đại mới, việc lấy cộng đồng làm trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ là tham vấn ý kiến, mà cần trao quyền chủ động hơn. Tức là cho phép người dân địa phương tham gia sâu vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa và hưởng lợi về kinh tế - xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản.

Vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản cần được nhìn nhận không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo Nguồn: QN

Vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản cần được nhìn nhận không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo Nguồn: QN

Ông Lazare Eloundou Assomo nhận định, Việt Nam là một hình mẫu đáng học hỏi trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới dựa vào cộng đồng. Việt Nam cần tiếp tục hành trình đó dựa trên tái khẳng định: quan tâm đến di sản không chỉ ở khía cạnh hữu hình mà còn cả cuộc sống của cộng đồng xung quanh. Trong bối cảnh di sản thế giới đối mặt với nhiều thách thức, việc tăng cường biện pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm càng trở nên quan trọng.

Để phát huy vai trò cộng đồng, các địa phương cần bảo đảm phúc lợi và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương và người dân sống trong và xung quanh các di sản thế giới, trao quyền thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức bảo tồn. Đồng thời, thúc đẩy khả năng phục hồi di sản trước biến đổi khí hậu dựa trên tri thức bản địa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ công tác bảo tồn di sản…

“Chúng ta không thể nói về giá trị của di sản nếu không nói về ý nghĩa của nó đối với người dân, điều khiến họ gắn bó với di sản trong suốt hàng thế kỷ… Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức nhưng trong nguy vẫn có cơ - cơ hội giúp tìm ra giải pháp bao trùm, bền vững. Trách nhiệm của chúng ta giờ đây là cảm ơn thế hệ cha ông đã gìn giữ di sản và tiếp tục kiến tạo để thế hệ tương lai kế tục hiểu biết về di sản, bản sắc của mình”, ông Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-co-cong-dong-se-khong-co-di-san-10373252.html
Zalo