Không chủ quan với nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp và có khả năng tạo thành dịch. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh sởi nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở một số tỉnh, thành, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống.

Cán bộ Trung tâm Y tế Văn Quan tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi

Cán bộ Trung tâm Y tế Văn Quan tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Bệnh sởi không chỉ gây sốt, phát ban mà còn có thể biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, màng não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay tình hình dịch sởi đang diễn biến phức tạp và trở nên ngày càng nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Gần đây nhất, ngày 17/11/2024, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai đã tử vong do mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi.

Trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 16/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sởi.

Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thành phố chủ động rà soát, đảm bảo đầy đủ vắc - xin tiêm phòng sởi cho trẻ; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán và điều trị dịch bệnh sởi; liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch.

Thực tế, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc - xin sởi. Do đó, để chủ động cung ứng vắc - xin tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị TTYT các huyện, thành phố khẩn trương rà soát số vắc - xin hiện có và đề xuất nhu cầu cần được cấp bổ sung để sử dụng đến hết tháng 12/2024. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn lập danh sách đối tượng chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều để dự trù vắc - xin và vật tư tiêm chủng cần thiết.

Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc TTYT Hữu Lũng thông tin: Tiêm phòng vắc - xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc - xin vào 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Để đảm bảo đủ vắc - xin tiêm phòng sởi cho trẻ em trên địa bàn, trung tâm thường xuyên rà soát, tổng hợp và đề xuất cung ứng kịp thời. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 5.120 liều vắc - xin sởi và sởi - Rubella, phân bổ kịp thời cho các trạm y tế xã, thị trấn để tổ chức tiêm bù, tiêm vét, nhất là ở các xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Cùng với TTYT Hữu Lũng, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 19.700 liều vắc - xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mới đây, ngày 18/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã báo cáo và đề nghị Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia xem xét, cấp thêm 1.630 liều vắc - xin sởi để tổ chức thực hiện tiêm đầy đủ, đúng lịch theo quy định.

Mặt khác, các cơ sở y tế thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn theo dõi sức khỏe của học sinh, sinh viên. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích tiêm chủng vắc - xin sởi; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Chị Triệu Thị Yến, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Qua các phương tiện truyền thông và được cán bộ y tế thị trấn thông báo, tôi nhận thức được tiêm vắc - xin sởi sẽ giúp con có sức đề kháng tốt, phòng ngừa bệnh lây nhiễm nên tôi đưa con đi tiêm vắc - xin đúng lịch, đủ mũi.

Từ chỗ nâng cao nhận thức, người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm đủ liều, đúng lịch, đến nay, tỉ lệ bao phủ vắc - xin sởi trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 95% (được tiêm 1 mũi vắc - xin sởi và 1 mũi vắc - xin sởi – rubella). Với sự chủ động của các ngành chức năng, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi.

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Dịch sởi có chu kỳ 3 đến 5 năm bùng phát một lần. Bệnh sởi có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung cao vào mùa đông - xuân. Hiện nay, không có thuốc đặc trị cho bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm triệu chứng. Tiêm chủng vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Do vậy, các gia đình cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khong-chu-quan-voi-benh-soi-co-nguy-co-bung-phat-5029685.html
Zalo