Không chủ quan với cúm mùa
Thời tiết đang diễn biến thất thường, mưa ẩm, rét đậm thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm mùa. Tại Tuyên Quang, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và có những biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển.
Bệnh phổ biến trên toàn cầu
Mới đây, thông tin một nữ diễn viên Đài Loan qua đời vì bệnh cúm và viêm phổi đã khiến cộng đồng quan tâm đến vi-rút cúm, một bệnh phổ biến trên toàn cầu. Trước đó, ngành Y tế tỉnh cũng thông tin trường hợp mắc bệnh do vi-rút gây viêm phổi trên người (Human Metaptifmeumovirus - HMPV) tại Trung Quốc.
Hiện nay, tại Trung Quốc đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông nên các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng, trong đó các tác nhân chính thường gặp là vi-rút cúm mùa, vi-rút hợp bào hô hấp và vi-rút gây viêm phổi trên người.
![Bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm vacxin phòng cúm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_456_51415611/478e9abaa2f44baa12e5.jpg)
Bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm vacxin phòng cúm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc.
Liên quan đến bệnh cúm tại Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung, bác sĩ Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trong khoảng 10 năm gần đây, hằng năm nước ta ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh, gây dịch
hấp, lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Phần lớn các trường hợp mắc cúm lành tính, nhưng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm với những nhóm có nguy cơ cao, như: Người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Các trường hợp này, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Người dân không nên hoang mang
Đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì viêm phổi do cúm, chị Hoàng Thanh G, 43 tuổi, huyện Hàm Yên kể lại, cách đây 10 ngày chị bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, nghĩ là cảm cúm thông thường nên chị đã tự mua thuốc điều trị. Những ngày tiếp theo, tình trạng bệnh không giảm mà còn ngày càng nặng hơn, có thêm triệu chứng ho có đờm xanh, khó thở, mệt mỏi. Đến ngày thứ 5, chị G. sốt 39 độ C, người mệt mỏi nhiều, ăn kém, mất ngủ nên gia đình đã đưa chị đi khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A, viêm phổi và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị. Đặc biệt, chị mới nhập viện được 1 ngày thì 2 con chị cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng sốt, ho và cũng được các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A do lây nhiễm từ mẹ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cúm A là bệnh có tính chất theo mùa, thường bùng phát vào mùa đông xuân hoặc thời điểm giao mùa. Các chủng vi -rút cúm A như H1N1 và H3N2 có khả năng biến đổi liên tục, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch theo chu kỳ hằng năm hoặc vài năm.
Năm 2024 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 9.934 ca mắc cúm, tăng 1.372 ca so với cùng kỳ năm 2023 (8.306 ca). Quý IV- 2024 ghi nhận 2.525 ca mắc tăng hơn so với quý IV năm 2023 (1.981 ca) và từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 736 ca mắc bệnh cúm. Các trường hợp mắc cúm có dấu hiệu Sốt (thường trên 38 độ), đau đầu, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, ho khan, khó thở, rét run, đau cơ hoặc đau khắp cơ thể, mệt mỏi. Theo bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cúm A và cúm B).
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng 1 lần, hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Trước những diễn biến phức tap của dịch cúm và rét đậm, rét hại trong thời gian tới, ngày 5-2-2024, Sở Y tế đã có Văn bản số 222/SYT-NVYD về việc tăng cường công tác phòng, chống rét và dịch bệnh theo mùa. Theo đó Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp đến khám bệnh nghi mắc bệnh có nguy cơ gây dịch (Viêm phổi do vi rút, cúm A, B...); đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly theo dõi, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo ngay tại buồng bệnh và trong cơ sở khám chữa bệnh…