Không chủ quan với bệnh não mô cầu
Nhiễm não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp và thường để lại di chứng nặng nề. Chuyên gia y tế cảnh báo, viêm màng não do não mô cầu tỷ lệ tử vong từ 10 – 20%. Những thể nặng nhiễm trùng huyết, suy thượng thận, cấp, tối cấp có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.
Phát hiện rải rác các ca mắc não mô cầu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa có báo cáo về trường hợp mắc não mô cầu đầu tiên tại Hà Nội. Đó là một trẻ nam, 3 tháng tuổi, tại quận Thanh Xuân, chưa tiêm vaccine phòng não mô cầu. Đây cũng là ca mắc não mô cầu đầu tiên tại Hà Nội từ đầu năm 2025 đến nay.
Trẻ khởi phát bệnh ngày 29/3 với biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém, nhập viện Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 30/3. Xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định. Trước đó, năm 2024, Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca mắc não mô cầu tại quận Hoàn Kiếm và Sơn Tây.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai và các bác sĩ khám cho bệnh nhân.
Cách đây không lâu, tại một số BV cũng đã ghi nhận rải rác các ca não mô cầu. Tại Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng đã điều trị cho một bệnh nhân nữ (48 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị viêm màng não nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể cấp.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt rét run liên tục, đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, lơ mơ, nhận thức chậm tình trạng ngày càng nặng. Kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn não mô cầu type B nguy hiểm. Sau 4 ngày điều trị tích cực, các xét nghiệm đã âm tính với vi khuẩn não mô cầu.
Trong khi đó, tại BV Nhi T.Ư đã điều trị cho bệnh nhân S.V.P. (7 tuổi, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm) được xác định dương tính với vi khuẩn não mô cầu.
Ngoài ra, BV T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận một quân nhân 25 tuổi tử vong do ngừng tuần hoàn ngoại viện. Nguyên nhân được xác định là sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Trước khi tử vong, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, buồn nôn và đau bụng.
Biến chứng khó lường
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B, Nesseiria meningitisis cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn, thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư như doanh trại bộ đội, khu tập thể, trường học…
Đối tượng mắc chủ yếu là người trẻ tuổi, những người chưa có miễn dịch, tiêm phòng. Bệnh thường diễn biến nhanh gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng hơn gây suy đa tạng và có thể tử vong.
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu chia ra nhiều thể, thể đơn thuần cũng giống như các viêm màng não khác, tiến triển và điều trị trong khoảng 2 tuần sẽ khỏi. “Đối với thể cấp, tối cấp, tiến triển nhanh trong vài ngày cùng các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và đi vào hôn mê nhanh, xuất hiện những ban xuất huyết hoại tử ngoài da trong bệnh cảnh hội chứng suy thượng thận cấp, sốc và tử vong nhanh chóng. Chọc dịch não tủy có màu đục. Nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện trên cần nghĩ ngay đến nhiễm não mô cầu” - PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

Kết quả soi dịch não tủy có chứa vi khuẩn não mô cầu là song cầu Gram âm.
Liên quan đến dịch bệnh này, bác sĩ Phạm Thị Quế - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư cảnh báo, bệnh viêm màng não gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em. Căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất, bao gồm: Enterovirus (nhóm Coxsackie hoặc Echovirus), Herpesvirus (HSV1 và 2, VZV, CMV, EBV, HHV6), nhóm Arbovirus (virus viêm não Nhật Bản, virus sốt xuất huyết,…).
Enterovirus (EV) là một họ virus đường ruột, gồm nhiều loại virus khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. EV chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải virus qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng từ đó lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay chân miệng.
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ tới người dân thực hiện tốt sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Theo CDC, quan trọng nhất là tiêm vaccine viêm màng não do não mô cầu để phòng bệnh. Do đó, người dân chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, viêm màng não mủ do não mô cầu không phải trường hợp thường gặp, chỉ xảy ra ổ dịch lẻ tẻ, hoặc các nơi khác du nhập đến. Tuy nhiên, với tính chất tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến các cơ sở y tế sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu, khoảng 50% bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dù được chữa trị tích cực, mỗi năm thế giới vẫn có khoảng 135.000 ca tử vong, lên đến 15% số ca mắc. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như hoại tử da gây sẹo, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…