Không chủ quan trước bệnh cúm mùa
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A, B, C gây ra, xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt mùa đông - xuân. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở, rét run, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, khi bệnh diễn tiến nặng mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng trở nặng.
Đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vì viêm phổi do cúm, chị L.T.M. kể lại, cách đây ít ngày chị có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi. Ban đầu, nghĩ là cảm cúm thông thường nên tự mua thuốc về điều trị. Những ngày tiếp theo, tình trạng bệnh không giảm mà ho ngày càng nhiều, kèm theo có đờm, khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, nên gia đình đã đưa chị đi khám. Sau khi xét nghiệm, chị có kết quả dương tính với cúm A, viêm phổi và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.
Trao đổi với bác sĩ CKII Đỗ Xuân Tiến, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được biết: Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, suy tim cấp, viêm phế quản, hay làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường, COPD...; thậm chí có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền. Tại bệnh viện vẫn thường xuyên ghi nhận các ca mắc cúm có diễn biến nặng nhập viện điều trị. Đặc biệt là những người lớn tuổi bị cúm kèm theo bệnh lý nền dễ dẫn đến các biến chứng phức tạp.
Khác với cảm thông thường, vi-rút cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng vi-rút mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch cơ thể, do đó việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn. Do vậy, căn cứ vào tình hình, triệu chứng của người bệnh, những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện điều trị hoặc được tư vấn chuyển tuyến để có biện pháp điều trị phù hợp hơn. Đối với các trường hợp nhẹ thì kê đơn uống thuốc, theo dõi sức khỏe tại nhà, khuyến cáo người bệnh chủ động phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh.
Theo cảnh báo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm chính là viêm phổi. Tại Thanh Hóa, năm 2024 ghi nhận 50.442 ca mắc cúm. Từ đầu năm đến nay tại các cơ sở y tế ghi nhận rải rác các ca mắc, bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng: ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Người dân cần mặc ấm, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối ấm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm. Tăng cường tập thể dục, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi)...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm và rét đậm, rét hại trong thời gian tới, ngành y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp đến khám bệnh nghi mắc bệnh có nguy cơ gây dịch (viêm phổi do vi-rút, cúm A, B...); đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo ngay tại buồng bệnh và trong cơ sở khám chữa bệnh...
Vi-rút cúm liên tục biến đổi, vì vậy tiêm vắc-xin được cho là biện pháp dự phòng tốt nhất.