Không chủ quan khi mắc bệnh basedow trong thai kỳ

Basedow là một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây cường giáp trong thời gian mang thai, bên cạnh nguyên nhân gây nghén nặng do tăng tiết hCG (human chorionic gonadotropin) quá mức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thai phụ L.V.H.N. (28 tuổi, Hà Nội) đang thực hiện theo dõi thai kỳ tại Phòng khám Medlatec Thanh Xuân. Chị N. mang thai lần 2, song thai, 1 rau, 1 túi ối.

Ở thời điểm thai 16 tuần 6 ngày, chị đến Medlatec Thanh Xuân thăm khám với triệu chứng tim đập nhanh liên tục cả ngày, thỉnh thoảng có hồi hộp trống ngực.

Theo kết quả thăm khám trước đó, thai kỳ lần này hoàn toàn khỏe mạnh, chưa phát hiện bất thường, dự kiến sinh vào ngày 2/7/2025. Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật quý I cho kết quả nguy cơ thấp. Tiền sử gia đình cũng không phát hiện gì đặc biệt.

Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số chức năng tuyến giáp có điểm bất thường, cụ thể là chỉ số TSH thấp dưới ngưỡng phát hiện và TSI tăng cao.

Chẩn đoán xác định, thai phụ N. mắc basedow trên nền song thai, ở thời điểm thai kỳ 16 tuần 6 ngày. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Hiện tại, ở tuần thai 32, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, không còn triệu chứng tim đập nhanh và hồi hộp trống ngực.

Bệnh Basedow là một dạng cường giáp tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể kích thích tuyến giáp sản sinh quá mức hormone.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Xuân, Trưởng Chuyên khoa Nội tiết, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, ở phụ nữ mang thai, có nhiều yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh basedow.

Đầu tiên là hormone HCG tăng lên trong quá trình mang thai. Trong thời gian đầu của thai kỳ, em bé chưa hình thành tuyến giáp nên cơ thể mẹ sẽ tự động tăng cường hormone tuyến giáp để cung cấp cho em bé qua nhau thai. Quá trình này gây ra sự thay đổi của một số cơ quan của cơ thể mẹ và có thể gây ra bệnh bướu cổ basedow.

Khi hệ miễn dịch rối loạn dẫn đến sự hoạt động quá mức của tuyến giáp gây ra bệnh basedow. Bên cạnh đó, người bị rối loạn hệ thống miễn dịch như người bị viêm khớp dạng thấp hay bệnh tiểu đường type 1... đều có nguy cơ gia tăng mắc bệnh basedow ở phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, hơn 15% số ca bệnh basedow là do di truyền từ các người thân trong gia đình, nhiễm trùng tuyến giáp. Nếu có sự nhiễm trùng nào đó xảy ra ở gần vị trí tuyến giáp sẽ gây tình trạng rối loạn tuyến giáp và làm tăng cường hormone gây cường giáp basedow.

Hàm lượng iod quá cao trong cơ thể cũng gây kích thích sự tăng cường sản sinh hormone gây ra bệnh bướu cổ basedow khi mang thai.

Một số biểu hiện về bệnh basedow thường gặp ở phụ nữ mang thai bao gồm: Xuất hiện chứng nôn nghén nặng hơn bình thường; giảm cân hoặc không tăng cân bất thường mặc dù chế độ dinh dưỡng không thay đổi nhiều; nhịp tim nhanh và thở nhanh, thở dốc; luôn có cảm giác thèm ăn và ăn nhiều nhưng không tăng cân trong nhiều tháng; tăng tiết mồ hôi và chịu nóng kém hơn trước khi mắc bệnh;

Sản phụ có thể xuất hiện khối u ở cổ, sưng đau hoặc có biểu hiện lồi mắt; lo âu, bồn chồn, mệt mỏi và khó ngủ; run và yếu cơ, người không có sức lực; tăng huyết áp, mắt mờ, đau đầu, buồn nôn thường xuyên; tuyến giáp thay đổi về kích thước to lên bất thường trong quá trình mang thai.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Xuân nhận định, may mắn cho trường hợp thai phụ nói trên được phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời. Trên thực tế có những trường hợp phát hiện muộn hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng như gây biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và bé.

Trên thực tế, cơn bão giáp gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ cũng như nguy cơ sảy thai cao.

Bác sĩ Xuân đưa ra khuyến cáo, phụ nữ bị basedow nếu đang điều trị thì phải điều trị khỏi, khi nào ngừng thuốc thì mới nên có thai. Nếu trong thời gian điều trị mà có thai thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý.

Do bệnh này cần được theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều thuốc thường xuyên trong thời gian mang thai cho nên bạn cần phải tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ về liều thuốc cũng như thời gian tái khám. Đặc biệt, thai phụ cần được sàng lọc các bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

TRẦN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-chu-quan-khi-mac-benh-basedow-trong-thai-ky-post881108.html
Zalo