Không chiến ngoài tầm nhìn: Cuộc chơi công nghệ và chiến thuật

Khái niệm 'không chiến' thường gợi nhớ đến hình ảnh các máy bay tiêm kích bay lượn, nhào lộn vòng vo trên trời để giành vị trí thuận lợi phía sau đối thủ rồi khai hỏa.

Những hình ảnh này được phổ biến nhờ phim ảnh như Top Gun, Iron Eagle hay Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, thực tế chiến tranh trên không hiện đại đã có nhiều thay đổi, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ radar và tên lửa tầm xa.

Trận không chiến gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan là minh chứng rõ nét cho sự chuyển động này. Được coi là trận không chiến quy mô lớn nhất trong một thế hệ, sự kiện này không diễn ra như những gì công chúng thường tưởng tượng. Thay vào đó, nó là cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn, hay còn gọi là BVR (Beyond Visual Range).

Không chiến hiện đại chủ yếu diễn ra ngoài tầm nhìn (BVR), dựa vào radar và tên lửa tầm xa thay vì rượt đuổi trực tiếp - Ảnh: National Interest

Không chiến hiện đại chủ yếu diễn ra ngoài tầm nhìn (BVR), dựa vào radar và tên lửa tầm xa thay vì rượt đuổi trực tiếp - Ảnh: National Interest

Không chiến trong tầm nhìn (WVR) - hình thức không chiến truyền thống

Theo National Interest, không chiến trong tầm nhìn (Within Visual Range - WVR) là hình thức giao tranh khi các phi công có thể nhìn thấy máy bay đối phương bằng mắt thường. Đây là loại hình không chiến phổ biến trong hai cuộc Thế chiến 1 và 2, khi công nghệ radar và tên lửa chưa phát triển. Các phi công phải sử dụng kỹ năng điều khiển cơ bản của máy bay chiến đấu (Basic Fighter Maneuvers - BFM) để giành ưu thế, chủ yếu nhằm vượt lên phía sau hoặc phía trên đối thủ để bắn hạ.

Trong WVR, chiến thuật đóng vai trò then chốt. Các phi công không chỉ phải điều khiển máy bay chính xác mà còn cần phản ứng nhanh với tình huống, tận dụng ưu thế về độ cao, tốc độ và góc tiếp cận. Hầu hết các bộ phim chiến tranh không quân đều mô tả WVR, góp phần hình thành nhận thức phổ biến về không chiến.

Ngoài tầm nhìn (BVR) - hình thức không chiến hiện đại

Khác với WVR, không chiến ngoài tầm nhìn (BVR) xảy ra khi hai bên không nhìn thấy nhau trực tiếp. Thông thường, các máy bay tham chiến ở cách nhau khoảng 18 - 20km và phụ thuộc chủ yếu vào radar cùng hệ thống dẫn đường tầm xa để xác định vị trí và phóng tên lửa.

Trong trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan, cả hai bên đều duy trì khoảng cách và không vượt qua biên giới quốc gia, nhưng vẫn có thể tấn công lẫn nhau nhờ công nghệ BVR. Điều này đòi hỏi máy bay phải trang bị radar hiện đại cùng khả năng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn từ các radar mặt đất, radar trên không hoặc các máy bay cảnh báo sớm khác.

Khi đối thủ bị phát hiện, việc giao chiến được thực hiện bằng tên lửa không đối không tầm xa. Các loại tên lửa này có tầm bắn trên 40km và sử dụng hệ thống tự dẫn đường để truy tìm và bám mục tiêu. Một số ví dụ nổi bật là AIM-120 AMRAAM và AIM-7 Sparrow vốn là vũ khí tiêu chuẩn trong nhiều lực lượng không quân trên thế giới.

Không chiến BVR bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950, khi các hệ thống radar và tên lửa điều khiển từ xa dần được tích hợp vào máy bay chiến đấu. Tuy ban đầu chưa phổ biến, nhưng BVR ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại, nhờ vào tiến bộ công nghệ.

Việc sử dụng BVR mang lại nhiều lợi thế chiến thuật. Thứ nhất, phi công có thể tấn công mục tiêu mà không cần tiếp cận gần, giúp giảm thiểu nguy cơ bị đối phương phản công. Thứ hai, không chiến ở khoảng cách xa cho phép triển khai lực lượng từ nhiều hướng và tạo ưu thế bất ngờ. Quan trọng hơn, BVR giúp giảm thương vong và tăng hiệu quả tác chiến khi được tích hợp trong một hệ thống chiến đấu hợp nhất.

Tuy nhiên, BVR cũng đặt ra nhiều thách thức. Hệ thống radar có thể bị gây nhiễu, và tên lửa tầm xa đòi hỏi độ chính xác cao để bám mục tiêu trong môi trường chiến trường phức tạp. Ngoài ra, khả năng nhận diện mục tiêu địch - bạn trong môi trường BVR rất quan trọng để tránh các sự cố bắn nhầm.

Sự kiện không chiến giữa Pakistan và Ấn Độ cho thấy BVR đang dần trở thành hình thức chủ đạo trong tác chiến không quân. Với sự xuất hiện của các máy bay thế hệ mới như F-35, Su-57 hay J-20 cùng tên lửa tầm xa hiện đại, vai trò của WVR trong chiến tranh có xu hướng giảm dần. BVR không chỉ tăng cường năng lực răn đe, mà còn mở ra khả năng kiểm soát chiến trường từ khoảng cách an toàn hơn.

Dù vậy, WVR vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Trong một số tình huống, khi đối phương tiến quá gần hoặc trong môi trường bị gây nhiễu điện tử mạnh, không chiến tầm gần vẫn có thể xảy ra. Do đó, các phi công hiện đại vẫn cần được huấn luyện kỹ năng WVR, song song với khả năng sử dụng công nghệ BVR một cách hiệu quả.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khong-chien-ngoai-tam-nhin-cuoc-choi-cong-nghe-va-chien-thuat-232702.html
Zalo