Không chỉ là xuân của đất trời
Xuân về, hoa nở rộ, thời tiết biến chuyển xoay vần, hết đông thì sang xuân. Không phải mùa xuân đến cho mọi người bàn nói về xuân, sẵn nhân duyên xuân sang, thử cùng xét xem chỉ có mùa xuân của đất trời, hay còn gì nữa?
Xuân chưa trọn vẹn
Mỗi độ xuân về, lòng người hân hoan, phấn khởi. Chúng ta thêm một lần nữa được tươi vui, đắm mình trong sắc hương của đất trời tinh khôi, tươi sáng. Mỗi người được thêm một tuổi, nhưng cũng có nghĩa đã bị bớt đi một năm thọ mạng để sống, không khỏi thoáng buồn. Một mùa xuân về với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, hẳn là tận trong sâu thẳm mỗi người sẽ chưa thể yên.
Nhìn xa hơn, như mùa xuân tràn đầy nhựa sống, tuổi thanh xuân tuôn trào nhiệt huyết và hy vọng của tương lai. Nhưng đằng sau những vui nhộn thường ngày, tận trong sâu thẳm mỗi người cảm thấy trống vắng, man mác, xa xăm. Tất cả những niềm vui ấy chưa thể lấp đầy cõi lòng miên man khó tả, như đang bơ vơ lạc lối giữa dòng đời. Hầu như mọi người và mình cùng sống trong đó. Sống như thể giữa ban ngày ngủ mê, nói mớ, sống mộng, nói say.
Là chúng sanh chưa giác ngộ thì chưa ai có thể thoát ra khỏi giấc mộng dài đằng đẵng của sanh tử luân hồi. Là người có chút cơ duyên hướng thượng sẽ thương cho cái mê trong mộng của mình và tất cả mọi người như thế. Từ đó muốn tìm một chân trời cho tất cả, để ai ai cũng có thể hưởng trọn niềm an vui thực sự, không còn lang thang cơ cực theo tháng ngày.
Phơi phới xuân về, nhưng lòng vẫn chưa an với bao vui buồn vẫn còn đó. Tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, nhưng hãy còn lạc lối, mông lung. Là người học Phật, chúng ta cần có cái nhìn mùa xuân, nhìn sự thăng trầm đến đi của sự thế để có được niềm an vui thực sự. Chân trời của niềm lạc an ngập tràn ấy mới đủ rộng, đủ lớn để dung chứa được tất cả những nỗi niềm của cuộc đời.
Mùa xuân trọn vẹn, miên viễn
Vua Trần Nhân Tông đã thể hiện rõ sự vươn lên này. Ngài đã vượt khỏi cái thời thơ bé của phàm phu, đạt đến niềm vui viên mãn:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
Thuở bé là năm bao nhiêu tuổi? Là 10 - 20 tuổi chăng? “Thuở bé chưa từng rõ sắc không” có nghĩa là chừng nào chưa tỏ sắc không thì hãy còn bé, chứ không hạn cuộc vào ngày giờ, năm tháng. Vì chưa rõ sắc không nên khi xuân về nhìn hoa nở, lòng rộn rã như trẻ thơ. Khi đã tỏ lý sắc - không thì xuân về chỉ là xuân, không còn rộn ràng như trước, bởi đã trưởng thành.
Con người phần nhiều lầm tưởng các pháp là thật cho nên khi xuân về, trong lòng rộn rã, rạo rực, bị ngoại cảnh chi phối, theo đó khổ vui. Là người học đạo, chúng ta thường nghe sắc thể này vốn không thật có, do nhiều nhân duyên hợp lại tạm hình thành, bản chất huyễn hóa. Rõ được cảnh duyên giả có, không thực thể cho nên không còn bám chấp vào các pháp, liền đó trả lại bản tâm định tĩnh, trí tuệ sáng ngời, ngoại cảnh không còn chi phối, ngập tràn lạc an.
Chân lý là vậy. Lẽ ra ai cũng đáng được an vui như vậy. Tuy nhiên, thực tế nhiều người tuy nghe nói giả, hiểu và thấy rõ bản chất các pháp là huyễn hóa, nhưng vẫn còn bị ngoại cảnh chi phối, theo đó khổ vui. Tại sao? Bởi dùng tâm sanh diệt để hiểu về nguyên lý huyễn giả, chứ không phải bằng tâm rỗng lặng, sáng biết để thấy rõ bản chất thật các pháp là không lặng. Khi tâm không thì cảnh vắng bặt, chứ không phải do hiểu biết về huyễn giả mà cảnh vắng lặng được. Bởi chính cái hiểu biết đó cũng là huyễn giả, các pháp bên ngoài cũng huyễn giả. Đem một cái huyễn để hiểu về một cái huyễn thì đồng tính chất là huyễn. Hình hài còn nằm nguyên vẹn trong huyễn hóa thì làm sao vượt thoát được! Đó là lỗi của người học đạo chưa khéo.
Khi biết các pháp là giả, liền dừng. Không cần biết theo hay chú tâm để biết về mọi thứ nữa. Thử lóng lặng tâm, không thèm chú ý, cũng không phải phớt lờ đi, hay mặc kệ. Buông rũ xuống, tâm thơ thới, bình thường và sáng rỡ. Không cần chú tâm hay khởi niệm mà vẫn thấy biết rạng ngời, không vọng động. Ngay đây, tâm không - cảnh tịch, thấy biết vượt năng (mình) sở (cảnh). Như thế là khéo sống, thẳng đến tánh thể vô sanh để thấy biết, sinh hoạt. Nếu khéo dùng sức sống thấy biết lặng lẽ vô sanh này để sống trên mọi hoàn cảnh thì mọi thứ vốn tự trong lặng, không còn gì có thể chi phối được nữa. Tự mình sẽ cảm nhận được sức tự chủ, tự tại, tiêu sái.
Bằng cái thấy biết này để sống trên tất cả cảnh thì nơi đâu cũng là Phật pháp. Bằng tâm xuân này để sống thì quanh năm, vào thời điểm nào, ở bất cứ đâu, đối với hoàn cảnh nào cũng đều là sự tươi mới của sắc xuân. Sống được như vậy thì Chúa xuân lúc nào cũng hiển hiện ngay nơi mỗi người, chưa từng thiếu vắng.
Sống bằng tâm xuân thì có gì chẳng xuân. Xuân ngay tự tánh mà thấy chứ không do tạo tác hay bất cứ gì làm nên. Sẽ hay ra, khắp nơi Chúa xuân đang hiển hiện, mọi cảnh đều xuân. Chỉ hay khéo nhận, trở về sống lại để thấy rằng, trong ai cũng sẵn đủ mùa xuân bất tận. Vượt không gian, vượt cả thời gian chứ không riêng gì mùa xuân của đất trời hữu hạn. Từ đó để sống một cuộc đời tích cực đúng nghĩa trong an vui, thanh thản. Xưa vắng bóng Chúa xuân, lòng rộn ràng khi xuân về, mai nở. Giờ Chúa xuân hiển hiện, khách thiền còn thiếu gì mà phải bận lòng mong mỏi, liệu xuân có về! Quanh năm, sắc hương xuân rực rỡ, thắm đượm. Vua Trần Nhân Tông đã khám phá Chúa xuân cho nên dù chu toàn mọi việc mà vẫn thảnh thơi trước mọi biến đổi cuộc đời.
Chúa xuân nhìn bồi hồi
Thiền sư Nhân Dũng ở Bảo Ninh nhân ngày Tết dạy chúng:
Hôm qua năm cũ đi
Ngày nay năm mới đến
Năm cũ đi chẳng đi
Năm mới đến chẳng đến
Khắp đồng trắng đầy tuyết
Cõi đất bặt mảy trần
Người không tên không chữ
Đưa mắt nhìn bồi hồi.
“Hôm qua năm cũ đi. Ngày nay năm mới đến”. Năm nào là năm cũ? Năm nào là năm mới? Đêm qua 30 Tết còn là năm cũ. Sáng nay mùng một Tết là năm mới. Chỉ cách một đêm mà đã thành hai năm cũ và mới rồi. Đó là do ý tưởng của con người phân định, lập nên! Nếu chúng ta không chia ra thì đâu có cũ hay mới gì. Năm cũ qua, năm mới đến thì vui. Hết mới đến cũ thì buồn. Chính mình phân định, rồi lại chính mình vui buồn bởi sự phân định đó. Tự mình đặt ra rồi vui buồn trên đó, khác nào mình tự lừa dối mình để phải tất bật, rối rắm, chợt vui chợt buồn, chuốc lấy khổ đau.
Tại sao “Năm cũ đi chẳng đi? Năm mới đến chẳng đến”? Vì đến đi đó là do cái thấy theo thời gian biến đổi từ con người đặt ra, chứ bản chất thời gian vốn tự nó không nói đến đi hay cũ mới gì cả. Bản chất thời gian đã không có thật như thế thì lấy gì để gọi là đi với đến? Đi cũng chẳng thật đi, đến cũng không thật đến. Nếu thấy theo cảnh thì bị cảnh lưu chuyển, thấy có mới, cũ, đến, đi. Bằng tâm giác sáng để nhìn thì nào có đi đến gì! Do đó: “Năm cũ đi chẳng đi? Năm mới đến chẳng đến”.
“Khắp đồng trắng đầy tuyết, Cõi đất bặt mảy trần”. Như bạt ngàn tuyết trắng, phủ khắp cả cánh đồng. Đây là dùng ví dụ để nói đến tâm thể không còn có chỗ cho tình thức phân biệt xen vào. Ngay đây bặt hết vọng niệm, như: “Cõi đất bặt mảy trần”. Thấy biết rõ ràng nhưng bất động, không cần khởi phân biệt; ngay đó, tâm thể chân thật hiện tiền; như trước mắt đã sẵn hiện bày toàn màu tuyết sáng rỡ, trong ngần, không một mảy bụi.
Trong đó có “Người không tên, không chữ” đang “Đưa mắt nhìn bồi hồi”. Bởi vô tướng, cho nên nói “Không chữ, không tên”. Nhưng vẫn đang hiển hiện ngay đây, do đó “Có một người không tên không chữ”. Người đó đang đưa mắt nhìn bồi hồi. Vì sao? Bởi vẫn ngồi đó mà không ai chú ý tới. Mọi người cứ lo đuổi theo hoa nở, hoa tàn, năm cũ, năm mới để rồi bận rộn vui buồn theo sự sanh diệt vô thường. Còn người chủ làm nên mùa xuân bất diệt vẫn ngồi đây mà không ai đoái hoài. Nếu được nghe nói, đã biết rồi thì ai cũng sẽ khéo nhận lại, siêng năng ngó ngàng tới, không để Chúa xuân ngồi đó nhìn bồi hồi!
Thiền sư Tư ở Nột Đường nói bài kệ xuân:
Tuyết xuân đầy trời đến,
Trúng đâu hoa nở đó.
Chẳng rõ cây trong vườn,
Gốc nào là mai thật?
Hương xuân đã sẵn khắp mọi nơi, tỏa đến đâu, hoa nở rực đến đó. Nhưng trong đây không biết có cây nào là gốc mai thật? Mai nở tuy nhiều, nhưng nhận ra được gốc mai thật này thì mới thực sự thắm tươi thơm ngát, bởi nó là chất liệu chính để làm nên mùa xuân.
Ngày đầu năm, mọi người đang hòa quyện trong hương xuân ấm áp, cảm nhận rõ gió xuân chan hòa và lòng người cũng bát ngát thênh thang không chút tư lự. Cho thấy, không ai trong chúng ta thiếu vắng Chúa xuân hay thiếu cội mai thật này cả. Ai nấy đều đã sẵn rồi, tại sao còn chưa chịu nở? Hy vọng mỗi cây mai thật đang xem những dòng chữ này đều chạm đến được “hương xuân bất diệt”, để có phút giây òa vỡ: “Nào ngờ hoa đã nở, tỏa ngát hương xuân lâu lắm rồi!”.