Không chỉ là nỗ lực, cố gắng

BPO - Tại hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 khóa XIII sáng 20-10 tới 14.934 điểm cầu với hơn 1,2 triệu đảng viên trong cả nước tham dự, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là một biểu tượng mới, một nhận thức mới, một thông điệp mới đã và đang được lan tỏa rộng khắp tới 100 triệu người dân Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô GDP nước ta năm 2023 tương đương 430 tỷ USD, xếp thứ 35 thế giới. IMF cũng như nhiều tổ chức tài chính, tín dụng toàn cầu đều dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như 10 năm qua, đến năm 2038, GDP của Việt Nam sẽ vượt mức 1.500 tỷ USD, dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, vượt qua Thái Lan, Singapore và lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 khóa XIII, sáng 20-10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành một nước phát triển. Nước phát triển hiện nay thu nhập bình quân đầu người mỗi năm phải trên 15.000 USD. Trong khi đó, chúng ta mới đạt xấp xỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, trong 20 năm tới phải tăng gấp 3 lần. GDP của nước ta khoảng 500 tỷ USD, như vậy đến năm 2045 phải đạt trên 1.500 tỷ USD. Để đạt và vượt mục tiêu đề ra, chúng ta phải đặt chỉ tiêu đến năm 2035 tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người cũng như GDP. Thực hiện mục tiêu này, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, phải nỗ lực hơn nữa.

Như thế, có thể thấy những mục tiêu của nước ta đặt ra cũng trong dự báo của IMF, thậm chí Việt Nam còn thận trọng hơn. Tất nhiên, không phải vì thế Việt Nam lại trở nên tự mãn, chủ quan. Bởi lịch sử hàng ngàn năm qua cho thấy, khi tự mãn, chủ quan, dù là một dân tộc hùng mạnh, một tổ chức, doanh nghiệp hay một cơ quan, đơn vị, thậm chí là một cá nhân, đều phải trả giá. Ngược lại, nếu thận trọng, thành công cũng không tự mãn, không chủ quan, không ngừng nỗ lực vươn lên, sẽ tiếp tục thành công và đạt được những đỉnh cao mới.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp, từng giàu có, hùng mạnh, đơn cử như các hãng điện thoại Motorola, Nokia, từng là những biểu tượng thị trường, là những đế chế nhiều năm đứng trên đỉnh cao thành công trên phạm vi toàn cầu, nhưng sự chủ quan, tự mãn, thiếu sáng suốt, không theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ đã khiến họ sụp đổ, nhường lại sân khấu cho iPhone, Samsung.

Với nền tảng kinh tế vững chắc xây dựng qua gần 40 năm đổi mới, nền tảng chính trị, văn hóa - xã hội qua gần 80 năm thành lập nước và hàng ngàn năm từ thời Vua Hùng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây chính là động lực để mỗi người dân Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn, cố gắng hơn đưa đất nước không ngừng tiến về phía trước.

Với 1 triệu người Bình Phước, cũng có thành tựu đáng tự hào, nhưng cũng không nên tự mãn, bằng lòng với kết quả đạt được mà phải nỗ lực hơn, cố gắng hơn, tiến bước nhanh hơn, giải pháp hiệu quả hơn, thông điệp lan tỏa mạnh mẽ hơn… Đơn giản là bởi kinh tế, thu nhập, đời sống người dân và nhiều chỉ số Bình Phước còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164306/khong-chi-la-no-luc-co-gang
Zalo