Không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm

Hòa cùng không khí vui tươi của những ngày đầu Xuân, hôm nay (ngày 13/2), hàng vạn thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc bắt đầu nô nức lên đường tòng quân, trong đó hàng ngàn thanh niên đã viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự.

Nhập ngũ không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ trẻ đối với đất nước mà còn là cơ hội để các em rèn luyện, trưởng thành, tiếp nối truyền thống cha ông.

“Ngày hội tòng quân”, đúng như tên gọi, thực sự là một ngày hội vui tươi và nhiều ý nghĩa. Năm nay, ngày 13/2, tại Hà Nội, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, 30 quận, huyện, thị xã của TP cùng long trọng tổ chức lễ giao nhận quân năm 2025, bàn giao 3.700 công dân cho 12 đầu mối của Bộ Quốc phòng. Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, “nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội Nhân dân”. Tất cả các nam thanh niên trong độ tuổi quy định của luật, nếu có đủ điều kiện về sức khỏe và phẩm chất đạo đức đều có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội.

Vượt ra khỏi khuôn khổ quy định trong Luật, tham gia nghĩa vụ quân sự đang không chỉ là “nghĩa vụ vẻ vang”, sự cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà còn là cơ hội để thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, trưởng thành. Bởi môi trường quân ngũ với những đặc tính riêng có là những điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu luyện rèn, phát triển toàn diện bản thân. Từ đó có sự trưởng thành về nhận thức, nâng cao tinh thần yêu nước, có lập trường chính trị vững vàng, có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Thực tế cũng cho thấy, những phẩm chất cơ bản mà mỗi quân nhân có được trong thời gian 2 năm luyện rèn trong quân ngũ và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng, vững chắc để mỗi thanh niên lập thân, lập nghiệp. Theo những quy định của Luật, công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, công khai, công bằng; các chế độ, chính sách hỗ trợ đều được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, chăm lo. Tỷ lệ công dân nhập ngũ có trình độ đại học, cao đẳng ngày càng cao.

Tại Hà Nội, trong những ngày qua, nhiều hoạt động “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ trước ngày lên đường nhập ngũ đã được tổ chức từ các cuộc nói chuyện truyền thống, gặp mặt, tuyên dương các tấm gương tiêu biểu, đến tặng quà… Đặc biệt, phát huy kết quả của năm trước, năm nay, 30 quận, huyện, thị xã đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đoàn viên thanh niên ưu tú; những công dân đủ điều kiện sẽ được kết nạp Đảng trước khi nhập ngũ. Đây thực sự là sự động viên, khích lệ rất lớn với thế hệ trẻ.

Mặc dù thực tế vẫn có một số người nhận thức chưa đúng đắn, chưa hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm; không muốn nhập ngũ vì sợ khổ, sợ vất vả, thậm chí, còn có những cá nhân cố tình tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng đây là những hiện tượng thiểu số, đáng buồn, cần bị lên án, phê phán. Và qua các “ngày hội tòng quân”, những câu chuyện xúc động của những người trẻ chững chạc trong bộ quân phục mới được sẻ chia vẫn thật thiêng liêng và đầy tự hào, cho thấy, tuổi trẻ vẫn luôn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tự hào khi sẵn sàng gác lại những dự định để lên đường thực hiện nghĩa vụ công dân.

“Khi Tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ lên đường!”, như những câu nói đã được nhiều người trẻ khẳng định trong những ngày qua. Bước qua “Cổng vinh quang”, lên đường nhập ngũ không chỉ còn là nghĩa vụ và trách nhiệm, mà đó còn là sự tiếp nối, minh chứng sống động cho tinh thần sẵn sàng cống hiến, bảo vệ bình yên cho Thủ đô và đất nước.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chi-la-nghia-vu-va-trach-nhiem.html
Zalo