Không cấp thiết, nhưng làm được thì tốt

Những ý kiến khác nhau về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ bậc mầm non đến đại học trong dự thảo Luật Nhà giáo sắp được đệ trình Quốc hội, chưa bàn chuyện nên hay không, nhưng rõ ràng đã nêu bật lên 3 tín hiệu tích cực.

Thứ nhất là sự quan tâm, am hiểu, kỳ vọng của cử tri cả nước với quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật ngày càng lớn; thứ hai, Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ngày càng chú trọng, thận trọng, trách nhiệm với vai trò lập pháp; thứ ba là vai trò, tiếng nói của cử tri, của dư luận xã hội ngày càng quan trọng và được trân trọng, ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao”. Người đứng đầu Quốc hội nhiều lần trở đi, trở lại về vấn đề “cái gì đã chín, đã rõ” mới đưa vào dự án luật, nhưng cũng không né tránh với những vấn đề chưa thông suốt với tinh thần “những việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục ngồi với nhau, cần thiết thì Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội cùng xem xét, cho ý kiến để đi đến thống nhất phương án”.

Dự thảo Luật Nhà giáo khi được ban hành sẽ mang lại tác động tích cực đến đời sống của hàng triệu nhà giáo trên cả nước. (Ảnh minh họa: Cô trò Trường Mầm non tư thục Hoàng Oanh tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phường 1, TP Cà Mau)

Dự thảo Luật Nhà giáo khi được ban hành sẽ mang lại tác động tích cực đến đời sống của hàng triệu nhà giáo trên cả nước. (Ảnh minh họa: Cô trò Trường Mầm non tư thục Hoàng Oanh tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phường 1, TP Cà Mau)

Có thể thấy kỳ vọng của cử tri cả nước ngày càng lớn đối với Quốc hội, đặc biệt là với vai trò lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. Cùng với đó là quyết tâm đổi mới về tư duy, hành động; nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội để công tác lập pháp tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, đáp ứng sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Trở lại với nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật Nhà giáo sắp đệ trình tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV là đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên từ mầm non đến đại học. Dư luận vừa qua cho thấy có nhiều luồng ý kiến; nhưng tựu trung, cả tình cảm, lý trí, lý lẽ của những người băn khoăn nhất đều chỉ là nêu ra, bàn bạc thêm tính khả thi, phù hợp, hài hòa của đề xuất này.

Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ (TS) Thái Văn Long, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Tinh thần của đề xuất này là đúng, rất đáng ủng hộ”. Theo dõi các luồng ý kiến về vấn đề này, TS Thái Văn Long dẫn ý kiến của người đại diện của Bộ GD-ĐT (ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT – PV) khi trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo: “Dự thảo Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ có một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành”.

“Tinh thần, mục tiêu là như thế, nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã hết sức cẩn trọng, cầu thị để tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để chỉnh sửa trong dự thảo luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới, trong đó có nội dung miễn học phí cho con của giáo viên”, TS Thái Văn Long tâm đắc.

Về ý kiến cá nhân, ông Long cho rằng: “Đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục trong dự thảo Luật Nhà giáo là rất đúng, rất trúng, rất kịp thời. Riêng việc miễn học phí cho con của giáo viên thì không quá cấp thiết, nhưng nếu làm được thì rất tốt. Bởi giáo viên cũng là ngành nghề đặc thù, trong khi nước ta lấy “Giáo dục làm quốc sách”, nhưng việc này cũng không thể nóng vội và làm ngay. Cần phải hài hòa, phù hợp thực tiễn và quan trọng là sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội”.

Bà Trần Cẩm Hường, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Tân, cho biết: “Thực tế trong lĩnh vực giáo dục địa phương còn một số vướng mắc cấp thiết. Bản thân giáo viên khi nghe đề xuất trên cũng rất mừng, nhưng cũng không đặt nặng lắm. Bởi so sánh với mặt bằng cuộc sống xã hội hiện nay, giáo viên cũng không chịu quá nhiều áp lực kinh tế từ việc đóng học phí cho con mình”.

Theo bà Hường, “chính sách giáo dục nên toàn diện hơn, bởi không chỉ có nhà giáo mà còn có đội ngũ nhân viên tại các trường học. Thực tế là lực lượng này khá đông, nhiệm vụ nhiều, vai trò quan trọng trong các hoạt động giáo dục nhưng mức lương thấp, khó tuyển dụng. Kèm theo đó, lực lượng giáo viên dôi dư nếu đưa sang làm nhân viên thì mức lương quá thấp nên khó nhận sự đồng tình; còn không bố trí được thì phải cắt biên chế. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên nếu bố trí sang nhân viên còn đòi hỏi phải có chứng chỉ bồi dưỡng mà người học phải tự túc chi phí, thời gian. Như vậy việc sắp xếp, bố trí đội ngũ trong lĩnh vực giáo dục là rất khó khăn. Cần phải có cơ chế, chính sách để người công tác trong lĩnh vực giáo dục nói chung yên tâm cống hiến, đó mới là yêu cầu, mong mỏi của thực tiễn”.

Thực tế cho thấy, học phí cho con đi học không phải là áp lực kinh tế quá lớn đối với giáo viên. (Ảnh minh họa: Giờ học tin học của học sinh Trường Tiểu học Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình)

Thực tế cho thấy, học phí cho con đi học không phải là áp lực kinh tế quá lớn đối với giáo viên. (Ảnh minh họa: Giờ học tin học của học sinh Trường Tiểu học Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình)

Cử tri ngày càng quan tâm, am hiểu, kỳ vọng về quá trình xây dựng, ban hành luật, thì trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, ban hành luật càng phải được thể hiện rõ, đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả” trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật”.

Nhưng cũng cần nhìn rộng hơn, không thể “tham việc nhỏ mà bỏ việc lớn”, như cách đánh giá của Bộ GD-ĐT khi dự kiến về tác động tích cực của Luật Nhà giáo đến đời sống của hàng triệu nhà giáo trên cả nước khi được ban hành. Theo đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò của mình, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong tự học, tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và phát triển nghề nghiệp liên tục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề. Tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.

Giáo viên cũng là một ngành nghề đặc thù, chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục. (Ảnh minh họa: Giờ học của cô trò Trường THCS Biển Bạch Đông, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)

Giáo viên cũng là một ngành nghề đặc thù, chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục. (Ảnh minh họa: Giờ học của cô trò Trường THCS Biển Bạch Đông, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)

Còn với đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên, dẫn lại lời của ông Thái Văn Long, tác giả bài viết đồng tình quan điểm: “Không cấp thiết nhưng nếu làm được thì rất tốt”. Chúng ta đặt niềm tin vào công việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật với kỳ vọng, pháp luật không chỉ đúng mà còn là kiến tạo, truyền cảm hứng để khơi dậy nội lực, sức mạnh của dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình; ở đó, mỗi công dân, dù ngành nghề, lĩnh vực và vị trí xã hội nào cũng được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp nhất; ở đó, mọi người đều có quyền thể hiện chính kiến và được trân trọng đón nhận, ghi nhận. Đó cũng là bản chất ưu việt, là khát vọng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phạm Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khong-cap-thiet-nhung-lam-duoc-thi-tot-a35030.html
Zalo