Không bỏ phí 'mỏ vàng' du lịch nông thôn

Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần đầu tiên diễn ra tại Quảng Nam (Việt Nam) từ ngày 9 đến 12-12 thu hút trên 300 đại biểu từ 50 quốc gia tham dự. Hội nghị có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có tọa đàm của các quốc gia bàn về tiềm năng và giải pháp để không bỏ phí tài nguyên du lịch nông thôn.

Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần đầu tiên diễn ra tại Quảng Nam (Việt Nam) từ ngày 9 đến 12-12. Ảnh: Thúy Hà

Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần đầu tiên diễn ra tại Quảng Nam (Việt Nam) từ ngày 9 đến 12-12. Ảnh: Thúy Hà

Giá trị lớn từ du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch gắn với địa bàn nông thôn và còn được gọi với các tên như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với địa bàn nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng du khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD.

Tại Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism),Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững, trong đó du lịch nông thôn ngày càng phổ biến và phát triển.

“Phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tổ chức UN Tourism đã triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển của nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. Đây là một chương trình ý nghĩa và phù hợp với 3 nhu cầu phát triển bền vững là kinh tế - xã hội và môi trường”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nhận chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Ảnh: Thúy Hà

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nhận chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Ảnh: Thúy Hà

Còn theo bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism, thời điểm này, UN Tourism ưu tiên phát triển nông thôn để phục hồi du lịch toàn cầu một cách bền vững.

Đánh giá về tiềm năng du lịch nông thôn tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich Hồ An Phong cho rằng, với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều lợi thế về tài nguyên, Việt Nam đã phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa nhiều vùng nông thôn trở thành “vùng quê đáng sống”, thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá.

Khách quốc tế trải nghiệm tại Làng rau Trà Quế (Quảng Nam). Ảnh: S.T

Khách quốc tế trải nghiệm tại Làng rau Trà Quế (Quảng Nam). Ảnh: S.T

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước hiện có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định trong đó có 382 điểm nằm trên địa bàn nông thôn. Việt Nam có các sản phẩm du lịch điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); tham quan tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu ở Ninh Thuận…

Hiện Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism, đó là: Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, năm 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, năm 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, năm 2024).

Trao quyền sáng tạo cho giới trẻ

Mặc dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng theo các chuyên gia du lịch, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa chú trọng về thương hiệu. Vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ. Nhiều địa phương chưa gắn liền với chuyển đổi số, chưa có cách làm đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, phần lớn người nông dân chưa có đủ kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.

Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch nông thôn tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Đăng Thạo.

Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch nông thôn tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Đăng Thạo.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia cho rằng, cần phát huy vai trò của người trẻ trong các sáng kiến phát triển du lịch. Bên cạnh việc giáo dục truyền thống văn hóa, các địa phương có tiềm năng du lịch nông thôn cần trao quyền cho giới trẻ để họ có thể phát triển, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với du khách…

Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là “mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”. Tháng 6-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 – 2030 nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững.

Hy vọng, với những nỗ lực này, du lịch nông thôn Việt Nam sẽ khởi sắc, xây dựng được thương hiệu như nhiều nước trên thế giới đang làm.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-bo-phi-mo-vang-du-lich-nong-thon-687100.html
Zalo