Không ai như Ben Affleck
Dù thường bị chê 'một màu', Ben Affleck lại tỏa sáng lạ kỳ trong 'The Accountant 2' - bộ phim khéo léo hòa trộn giữa chất hành động kịch tính và chiều sâu tâm lý nhân vật.
Genre: Hành động, Tâm lý
Director: Gavin O'Connor
Cast: Ben Affleck, Jon Bernthal, J.K. Simmons...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim.
Ben Affleck là một “ca lạ” ở Hollywood.
Gương mặt điển trai với những đường nét nam tính, lạnh lùng nhưng biểu cảm mặt hiếm khi biến đổi: anh lúc nào cũng như đang trong trạng thái buồn chán, rầu rĩ, hay thậm chí bực bội một cách khó tả. Biểu cảm mặt kỳ lạ của tài tử The Dark Knight từng một thời trở thành ảnh chế lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nơi meme "Sad Affleck" (Affleck buồn bã) ra đời.
Chẳng riêng cuộc sống, Ben Affleck còn mang gương mặt “đơ” nổi tiếng ấy trong các dự án phim anh tham gia. Vì vậy mà hiếm khi nam diễn viên được giới chuyên môn đánh giá cao về diễn xuất biểu cảm. Không ít nhà phê bình gọi Affleck là "gã đẹp trai không cảm xúc". Trong thời kỳ đỉnh cao, khi những Leonardo DiCaprio hay Christian Bale tung hoành với các vai tâm lý phức tạp, Affleck lại lặng lẽ đứng bên lề, gắn với những vai nam chính đơn giản, ít tầng sâu tâm lý, hoặc tệ hơn: những phim bị chê thê thảm.
Ben Affleck tỏa sáng
Hài hước thay, chính hạn chế ấy lại vô tình có “đất dụng võ” khi anh tham gia The Accountant, hóa thân thành Christian Wolff - một người đàn ông mắc hội chứng tự kỷ, sống khép kín và hành xử như cỗ máy không cảm xúc.
Trở lại với phần hậu truyện, The Accountant 2 theo chân Wolff trên hành trình điều tra vụ ám sát người quen cũ - Ray King, hợp tác cùng em trai Braxton (Jon Bernthal) và đặc vụ Marybeth Medina (Cynthia Addai-Robinson).

Phim có ngân sách sản xuất 80 triệu USD.
Sau gần một thập kỷ, đạo diễn Gavin O’Connor trở lại với câu chuyện về gã kế toán viên thú vị dưới góc nhìn sâu sắc hơn về đời sống nội tâm nhân vật, song vẫn không đánh mất nhịp độ hấp dẫn của một tác phẩm hành động/tội phạm như phần tiền truyện.
Lần này, thay vì đưa Christian đi xa hơn trong các phi vụ tội phạm tài chính, The Accountant 2 lựa chọn đào sâu mối quan hệ đầy khúc mắc giữa hai anh em Wolff và Braxton. Hướng đi này giúp The Accountant 2 vượt khỏi khuôn mẫu hành động thông thường, trở thành một câu chuyện gia đình đậm màu u tối, nơi bạo lực không ám ảnh bằng những khoảng lặng tình cảm hàm chứa nhiều tổn thương ký ức.
Sự trở lại của Jon Bernthal trong vai Braxton – người em trai từng là đối thủ của Christian ở phần một – tạo nên những nút thắt hấp dẫn cho phim. Cậu em trai này là sự đối lập hoàn hảo với Wolff: nóng nảy, bản năng, sống theo cảm xúc và không tuân thủ luật lệ. Là một sát thủ chuyên nghiệp nay đây mai đó, Braxton từng xuất hiện như một phản diện nửa vời, nay trở lại với một vai trò mới: kẻ đánh thức những xung động lặng thầm trong con người Wolff.
Nếu Wolff đại diện cho lý trí và kiểm soát, thì Braxton lại là hiện thân của cơn thịnh nộ, của những vết thương lòng thời thơ ấu chưa được chữa lành. Mối quan hệ giữa hai người, từ lạnh nhạt, đầy khúc mắc, đến khoảnh khắc đoàn tụ bất đắc dĩ và phải bắt tay trong một phi vụ nguy hiểm, được phát triển tự nhiên, không bi lụy.
Trong tám năm kể từ lần gặp cuối, Brax nhiều lần cố gắng liên lạc với anh trai mình, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Đến khi Christian gọi để nhờ giúp đỡ, Brax lập tức có mặt nhưng vẫn không quên mỉa mai: “Lại là anh, chỉ gọi khi cần em”. Đối mặt với Wolff, Brax vừa giận, vừa thương, và vẫn luôn đối xử với anh bằng trái tim chân thành nhất của những người chia sẻ chung dòng máu.
Mối quan hệ giữa bộ đôi mang lại lớp chiều sâu tâm lý đặc biệt ở thể loại hành động: hai con người tổn thương sâu sắc từ một tuổi thơ không hạnh phúc tìm kiếm sự cứu chuộc qua mối liên kết tình cảm đứt gãy.

Ben Affleck tỏa sáng trong vai nhân vật tự kỷ.
Song song đó, sự bối rối của một cá tính đặc biệt như Wolff giữa xã hội cũng được tái hiện với góc nhìn mới đầy dí dỏm dưới màn thể hiện của Ben Affleck. Gã vẫn cô đơn, khao khát kết nối, thậm chí mong muốn có một mối tình lãng mạn, nhưng không biết phải bắt đầu thế nào. Hạn chế trong việc bộc lộ cảm xúc, nhưng người xem vẫn thấy ở đó một Wolff khát khao kiếm tìm mối liên kết xã hội vụng về tới hài hước.
Từ đó, Gavin O’Connor khéo léo khơi gợi nhiều suy ngẫm về thế giới nội tâm của những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Phim còn hạn chế nhưng vẫn giàu tính giải trí
Gavin O’Connor một lần nữa chứng tỏ ông là bậc thầy trong việc tạo ra những bộ phim hành động đậm chất drama. Như Warrior hay Miracle, The Accountant 2 là sự kết hợp hoàn hảo giữa những pha hành động kịch tính và những câu chuyện cảm xúc sâu sắc, nơi những gã đàn ông cục súc, tưởng chừng vô cảm lại có thể trở nên yếu mềm vì một ký ức nhỏ nhoi.
Điểm sáng của phim nằm ở việc không chạy theo những cú twist gây sốc, mà tập trung vào mạch tâm lý nhân vật - thứ từng khiến phần tiền truyện trở nên khác biệt giữa rừng phim hành động Hollywood.
Ngoài ra, yếu tố hài hước cũng được thêm thắt thông minh. Những phân cảnh Christian học nhảy trong quán bar hay cố gắng thể hiện “kỹ năng giao tiếp xã hội” trong buổi hẹn hò chớp nhoáng dễ dàng chọc cười khán giả, xoa dịu bầu không khí phim với nhiều cảnh tâm lý, hành động nặng nề.
Giàu cảm xúc và những thông điệp nhân văn hơn phần đầu, The Accountant 2 vẫn mắc phải một số hạn chế cố hữu của một tác phẩm sequel. Kịch bản do Bill Dubuque chấp bút tiếp tục theo motif quen thuộc khi hai kẻ trái ngược tính cách buộc phải hợp tác trong một nhiệm vụ khó khăn. Thế nhưng, câu chuyện lần này thiếu đi yếu tố bất ngờ nên có phần khá dễ đoán.
Sự xuất hiện của nhiều tuyến nhân vật ở hồi đầu khiến tác phẩm đôi lúc trở nên rối rắm, trong khi một số tuyến truyện phụ lại bị bỏ lửng và chưa được khai thác triệt để, mà điển hình là sự xuất hiện của đặc vụ Marybeth Medina. Nhân vật nữ do Cynthia Addai-Robinson thủ vai có màn thể hiện khá mờ nhạt, chưa tạo được kết nối sâu sắc với nam chính dù thời lượng lên hình không ít.
Trong khi đó, các nhân vật phản diện lại có phần thiếu chiều sâu để tạo ra đối trọng cần thiết với tuyến chính. Mối đe dọa vì vậy chưa đủ mạnh mẽ và thuyết phục, khiến người xem cảm nhận được sự căng thẳng thực sự, làm giảm đi chất kịch tính của phim.

Phim nhận 93% đánh giá tích cực từ khán giả trên trang Rotten Tomatoes.
Bù lại, phần hình ảnh và chỉ đạo hành động trong The Accountant 2 tiếp tục giữ vững phong độ. Các pha đấu tay đôi, rượt đuổi hay bắn súng đều được dàn dựng chắc tay, không phô trương kỹ xảo nhưng vẫn đủ lực để tạo ra tính mãn nhãn cần thiết. Phim không lạm dụng slow-motion hay nhạc nền dồn dập, thay vào đó có tiết tấu vừa phải, giúp các phân đoạn hành động luôn phục vụ cho mạch phát triển tâm lý nhân vật thay vì trở thành màn trình diễn thị giác đơn thuần.
The Accountant 2 không phải là một tác phẩm bùng nổ, cũng không quá tham vọng thay đổi chuẩn mực dòng phim hành động. Nhưng bằng việc kiên trì theo đuổi chiều sâu nhân vật, Gavin O’Connor một lần nữa chứng minh rằng những gã sát thủ câm lặng vẫn biết "kể chuyện đời" bằng cách thú vị riêng.